Cuộc thử nghiệm uy tín
Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 10/05/2011
Sự kiện thu hút 93% cử tri đảo quốc Sư tử (gần 2,06 triệu người) được xem là cuộc thử nghiệm thực sự đầu tiên đối với uy tín của Thủ tướng Lý Hiển Long kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8-2004. Thắng lợi vang dội này một lần nữa khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của người tiền nhiệm Goh Chok Tong với một cuộc chuyển giao quyền lực có kế hoạch 7 năm trước đây.
Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long chiếm đa số ghế áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 7-5. Ảnh: Reuters |
Kết quả kiểm phiếu được công bố ngày 8-5 không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích bởi có quá nhiều lợi thế giúp PAP lên bục vinh quang trong cuộc đua này. Dưới sự điều hành của các chính phủ do PAP lãnh đạo từ năm 1959 tới nay, từ một nền kinh tế lạc hậu - với tổng GDP năm 1960 chưa đầy 1 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người 428 USD - đến nay Singapore đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn của ASEAN và trở thành một hình mẫu đáng học hỏi về tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Những thành công của đất nước gần 7.000km2 và không có chút tài nguyên nào cũng khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Năm 2010 vừa qua thu nhập bình quân đầu người của quốc đảo này đã lên vị trí thứ hai châu lục với 48.745 USD, chỉ sau Nhật Bản với tổng GDP của cả nền kinh tế trị giá khoảng 220 tỷ USD.
Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thoát ra khỏi bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, GDP của Singapore năm 2010 đã tăng 14,5% - cao thứ 2 thế giới sau Qatar tăng trưởng 16% - đưa quốc đảo này trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. Mặc dù GDP tăng trưởng cao nhưng tỷ lệ lạm phát của Singapore vẫn được kiềm chế ở mức 5% trong tháng 3 vừa qua và con số này được dự báo sẽ giảm xuống 3% - 4% trong năm nay. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp của Singapore đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua - giảm đến 1,9% trong quý I-2011 so với mức 2,2% trong quý IV-2010 - đội ngũ công chức làm việc hiệu quả khi được đánh giá là ít tham nhũng nhất trong khu vực và trên thế giới… Những lợi thế trên được ví như sức mạnh mềm đã giúp PAP luôn giành được sự tin tưởng tuyệt đối của cử tri trong tất các cuộc tổng tuyển cử từ trước tới nay.
Song thắng lợi áp đảo trên không có nghĩa con đường hiện thực hóa những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà PAP do Thủ tướng Lý Hiển Long đứng đầu đã đề ra là hoàn toàn bằng phẳng. Việc Ngoại trưởng George Yeo - một trong những nhà lãnh đạo nội các quan trọng - bị đánh bại trong đường đua ít đối thủ này khiến Đảng Công nhân (WP) đối lập thể hiện sức mạnh chưa từng có trong tiền lệ đã là một câu hỏi lớn buộc PAP phải cân nhắc đường đi nước bước trong thời gian tới. Với 6 ghế trong Quốc hội - số ghế nhiều nhất mà WP có được kể từ năm 1965 đến nay - thực tế là nhiều cử tri Singapore bắt đầu nghĩ tới một sự thay đổi nào đó. Cũng không khó lý giải cho sự chuyển hướng này khi nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt của Singapore vẫn bị tác động nhất định từ lạm phát, giá cả leo thang, bất bình đẳng thu nhập ngày càng nới rộng... Không ít cử tri đảo quốc gần 4,8 triệu dân còn cảm thấy bất an trước sự gia tăng ồ ạt của lao động nước ngoài cùng một loạt hệ lụy khác như lương thấp, tăng tuổi hưu, bảo hiểm y tế đắt đỏ hay xin quỹ dự phòng trung ương khó khăn...
Thế nhưng, chiến thắng rất cần thiết vừa được khẳng định qua cuộc bầu cử lịch sử cho thấy người dân Singapore vẫn đặt trọn niềm tin vào Thủ tướng Lý Hiển Long. Lắng nghe đề nghị của dân chúng, nhìn nhận mong muốn của cử tri là cam kết mà nhà lãnh đạo 59 tuổi sẽ tiếp tục theo đuổi nhằm mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn nữa cho người dân. Điều đó cũng là bảo đảm để đảo quốc Sư tử khẳng định vị thế một Singapore rất khác biệt so với những năm trước đây.