Xử lý khẩn trương trước mùa mưa bão

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:27, 09/05/2011

(HNM) - Với nhiều diễn biến bất thường của thời tiết, năm nay được dự báo là năm mưa, bão nhiều hơn, lớn hơn và trái quy luật. Đây là một thử thách lớn đối với hệ thống đê điều, hồ thủy lợi, thủy điện, các công trình thoát nước tại nhiều địa phương từ Đồng bằng sông Hồng tới Nam Trung bộ.

Đây là một thử thách lớn đối với hệ thống đê điều, hồ thủy lợi, thủy điện, các công trình thoát nước tại nhiều địa phương từ Đồng bằng sông Hồng tới Nam Trung bộ. Tuyên truyền, giáo dục nhân dân có ý thức bảo vệ đê điều; xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều; quản lý chặt chẽ, kiên quyết dẹp nạn khai thác cát trái phép là những biện pháp hàng đầu trong công tác bảo vệ đê điều, các công trình thủy lợi đang rất khẩn trương hiện nay.

Đất chật, người đông, công tác quản lý còn nhiều bất cập đã khiến cho việc vi phạm pháp lệnh đê điều trở nên phổ biến, nhiều năm qua không được xử lý dứt điểm, nhiều loại vi phạm còn tăng thêm. Sai phạm phổ biến trực tiếp ảnh hưởng tới độ bền vững của các tuyến đê là vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ đê. Ở nhiều địa bàn, người dân lấn chiếm các hành lang bảo vệ đê để xây dựng nhà ở và các công trình kiên cố khác. Hàng nghìn ngôi nhà kiên cố xây dựng trên hành lang, thậm chí trên cả mái đê với những hầm ngầm, bể phốt, khu nấu nướng, khu vệ sinh thường xuyên ướt nước không chỉ đào sâu vào đê mà còn làm suy yếu mái đất gây sạt lở. Mặt và mái đê bị chiếm dụng để làm hàng quán, chỗ chứa vật liệu xây dựng, trong đó có nhiều tranh, tre, nứa, lá… như một thứ mồi dẫn dụ mối, kiến. Nạn khai thác cát trái phép trở thành một hiểm họa lâu nay. Do khai thác cát, sông bị thay đổi dòng chảy, làm sạt lở đê, bờ sông, các kè đá thủy lợi. Do bờ sạt lở, nhiều đoạn đê sông Hồng vốn ở sâu trong đất liền nay chỉ còn cách dòng chảy vài chục mét. Với tốc độ sạt lở hiện nay, chỉ vài năm nữa, đoạn đê từng được xây dựng một nghìn năm trước sẽ bị lở xuống sông. Phụ họa với những nguy cơ trên, nạn đào đất xây dựng, làm gạch ngói đã biến nhiều bãi sông trở thành những ao lớn, mùa lũ tới có thể gây sạt lở. Cũng do thiếu quy hoạch , buông lỏng quản lý, người dân đổ phế thải xây dựng để cơi nới ra phía sông, xây dựng nhà cửa, trồng cây cối trên các bãi sông, đảo sông… gây cản trở dòng chảy, làm cho hệ thống đê điều càng bị đe dọa.

Độ an toàn của các đê biển cũng không hơn gì. Chúng ta đã từng chứng kiến hàng trăm kilômét đê biển từ Đồng bằng sông Hồng tới miền Trung bị bão, sóng biển phá hỏng, điển hình như đoạn đê biển ở Thuận An (Thừa Thiên Huế), đoạn đê biển ở giáp ranh hai tỉnh Nam Định và Thái Bình… Các hồ thủy lợi, thủy điện cũng là những mối lo thường trực. Mùa mưa bão năm ngoái, đã có 3 trường hợp vỡ đập, gây lụt lớn cho vùng hạ lưu. Theo thống kê, có đến 30% đập ở trong tình trạng có thể vỡ nếu bị lũ lớn, đe dọa hàng triệu người cùng nhà cửa, hoa màu phía hạ lưu hồ.

Bảo vệ đê điều là công việc hàng đầu không chỉ mỗi khi mùa mưa bão đến. Để bảo vệ được đê điều, các hồ nước cần quy hoạch lại hệ thống phân lũ, tiêu thoát nước, chuẩn bị lực lượng, các phương tiện, vật liệu bảo vệ đê theo phương châm 4 tại chỗ nhưng điều người dân chờ đợi hơn cả là việc phải kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp lệnh đê điều. Xử lý nghiêm, mới ngăn chặn có hiệu quả những hành vi vi phạm có thể tiếp diễn, trước mắt là xử lý một số công trình vi phạm điển hình, dẹp bỏ các lò gạch thủ công, nghiêm cấm khai thác cát, xẻ đê làm đường ô tô xuống bãi cát trái phép lâu nay.

Vũ Duy Thông