Phẫu thuật thẩm mỹ: Không phải phép màu

Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 09/05/2011

(HNM) - Như Hànộimới đã đưa tin, tuần qua, lại thêm một nạn nhân (Bùi Bích L., ở phố Lê Duẩn) tử vong sau khi phẫu thuật nâng ngực tại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động quá phạm vi cho phép.


Người muốn phẫu thuật thẩm mỹ nên tới các bệnh viện để bảo đảm độ an toàn. Ảnh: Khánh Nguyên


Sự tiến bộ của phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) đã cho nhiều phụ nữ có thêm cơ hội làm đẹp. Với nhiều người, PTTM như một phép màu bởi nó làm thay đổi, nhiều khi là cả cuộc sống của họ sau khi nhan sắc được "tút tát". PTTM đôi khi cũng mang lại may mắn cho nhiều người vì trong quá trình chữa "bệnh xấu", các bác sỹ có thể phát hiện ra được một số bệnh để kịp thời điều trị. Mặc dù vậy, hiện có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về "công nghệ" làm đẹp và không phải lúc nào nó cũng cho tác dụng như ý muốn. Theo các chuyên gia giải phẫu, PTTM dù thế nào vẫn là một cuộc giải phẫu. Do vậy, phương pháp chăm sóc trước, trong và sau khi phẫu thuật có chu đáo, cẩn thận đến đâu, khoa học có tiến bộ đến mấy thì rủi ro vẫn có thể xảy ra tương tự những cuộc phẫu thuật y khoa khác. Có nhiều nhà PTTM rất giàu kinh nghiệm nhưng không phải ca nào họ cũng thực hiện một cách hoàn mỹ. Đơn giản như vết sẹo sau phẫu thuật, mặc dù đã được bác sỹ khâu rất khéo léo nhưng do cơ địa của từng người khác nhau nên có người sau PTTM phải chịu một vết sẹo lồi. Còn không ít trường hợp tử vong do phẫu thuật không đúng phương pháp xảy ra ở những cơ sở thẩm mỹ tư nhân, đặc biệt là phẫu thuật nâng ngực.

Một số bác sỹ của bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Đại học Y Hà Nội) cho biết, trong phẫu thuật nâng ngực, việc dùng mỡ nhân tạo nâng ngực dễ gặp rủi ro nhất, vì nếu phẫu thuật không đúng phương pháp như bơm mỡ nhân tạo qua đường núm vú sẽ cực kỳ nguy hiểm bởi cấu tạo của tuyến vú là hình chùm nho, rất nhiều ống nhỏ hợp thành gần chục ống sữa, khi chọc qua đầu núm vú tức là bơm qua hệ thống ống tuyến có thể gây nên choáng đau, chưa kể quá trình bơm, kim bơm có thể chọc phải tĩnh mạch, theo đó chất dịch quánh của mỡ chui vào mạch máu đến tim thì sẽ gây ngừng tim, vào phổi gây nhồi máu phổi, vào não gây tai biến mạch máu não. Ngoài ra, mỡ nhân tạo là chất lạ, nếu không thử phản ứng sẽ không biết cơ thể có chấp nhận hay không, rất dễ gây ra sốc phản vệ. Khi sốc phản vệ, phải lấy được toàn bộ chất lạ ra và điều trị chống sốc.

Do nhu cầu PTTM ngày càng tăng và lợi nhuận thu được từ dịch vụ này ngày một lớn nên một số bác sỹ thuộc nhiều chuyên ngành khác chưa được đào tạo chuyên sâu cũng tham gia PTTM. Thêm nữa, với những PTTM phức tạp như nâng ngực, có thể phải gây mê sâu và cần có các thiết bị trợ thở, cấp cứu, nhưng nhiều phòng thẩm mỹ tư nhân không có đủ thiết bị này để bảo đảm cho cuộc phẫu thuật an toàn cũng như khi xử lý tai biến. Vì thế, rủi ro do PTTM cho sắc đẹp, thậm chí tính mạng con người ngày càng nhiều.

Làm đẹp cũng nên đến bệnh viện

Trên thực tế, rất nhiều người không phân biệt rõ sự khác nhau về chức năng giữa cơ sở PTTM và cơ sở chăm sóc sắc đẹp. Cơ sở PTTM phải được cấp giấy phép hành nghề mới được hoạt động. Theo quy định cấp phép hành nghề y dược tư nhân của Sở Y tế Hà Nội, những trung tâm PTTM sử dụng đến các thủ thuật gây chảy máu như xăm mắt, môi, ngực; nâng sống mũi; cắt mi mắt... phải do bác sỹ chuyên khoa thực hiện và có trang, thiết bị chuyên dùng. Còn giấy phép kinh doanh của những cơ sở chăm sóc sắc đẹp chỉ được làm các dịch vụ như trang điểm, làm tóc, mát xa mặt... Những cơ sở này không thuộc thẩm quyền quản lý của ngành y tế. Trường hợp phòng khám PTTM 257 đường Giải Phóng, nơi chị Bùi Bích L. đến nâng ngực và tử vong, mặc dù được ngành y tế cấp phép nhưng lại hoạt động quá phạm vi cho phép. Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, quy định hiện hành không cho phép các cơ sở y tế tư nhân thực hiện dịch vụ nâng ngực, hút mỡ bụng, hút mỡ chi. Khi đã hoạt động sai chức năng thì đương nhiên là cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người của những cơ sở này khó bảo đảm chất lượng. Kỹ thuật nâng ngực chỉ có các chuyên khoa phẫu thuật tạo hình như ở các bệnh viện Việt Nam - Cuba, Việt - Đức, 108... thực hiện mới bảo đảm an toàn về tính mạng và sức khỏe.

Xấu hay đẹp sau mỗi cuộc PTTM phụ thuộc phần nhiều vào phương pháp tiến hành. Vì thế, tất cả thủ thuật, phẫu thuật nên làm trong bệnh viện, nơi có đầy đủ trang, thiết bị, đội ngũ y, bác sỹ có kinh nghiệm và quy trình chặt chẽ. Trước khi giải phẫu, bệnh nhân phải nhờ bác sỹ chuyên khoa tư vấn xem có cần thiết làm thủ thuật hay phẫu thuật không, đừng bị cuốn theo lời giới thiệu, lời khuyên của người quen hoặc "chiêu" quảng cáo quá mức của các cơ sở thẩm mỹ.

Người ta làm tăng thể tích của ngực bằng cách bơm một số chất liệu vào ngực. Trước đây thường dùng silicon, nhưng rất nhiều tác dụng phụ nên hiện nay được thay bằng kỹ thuật ghép mỡ, tức là rút mỡ ở hông, đùi, bụng của chính bệnh nhân bơm vào ngực. Thủ thuật nâng ngực bằng mỡ của chính bệnh nhân thì hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên thời gian gần đây, sản phẩm mỡ nhân tạo của Trung Quốc bắt đầu được nhập lậu vào Việt Nam. Rất nhiều cơ sở đã sử dụng mỡ nhân tạo vì kỹ thuật bơm rất đơn giản, chỉ trong 5-10 phút là có được bộ ngực cao. Mỡ nhân tạo là chất lạ, khi đưa vào cơ thể rất dễ gây ra sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Vì thế Bộ Y tế đã nghiêm cấm sử dụng loại mỡ nhân tạo này. Ngoài ra, sau khi PTTM có thể có tai biến nhiễm trùng, hoại tử bầu vú xảy ra do điều kiện vô trùng không tốt.

Trúc Linh