Đáp ứng mong mỏi của người lao động

Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 09/05/2011

(HNM) - Cùng với các công trình nhà ở cho người thu nhập thấp đã và đang được triển khai, UBND TP Hà Nội tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ đề án xây dựng nhà ở cho người hưởng lương từ ngân sách, không chỉ khiến hơn 500 nghìn đối tượng được nhắm đến phấn khởi, mà còn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.

Ông Nguyễn Văn Đức (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân): Nhiều người đỡ khổ?
Trước đây, dù chỉ là công nhân lao động lương "ba cọc, ba đồng" nhưng chúng tôi cũng không quá vất vả lo chuyện nhà cửa. Khi lập gia đình, cơ quan phân cho hai vợ chồng một căn nhà tập thể. Rồi sinh con đẻ cái, có nhu cầu mở rộng diện tích nhà cũng được cơ quan xem xét chuyển đổi cho căn hộ lớn hơn. Khi về hưu cũng là lúc chúng tôi tích cóp đủ tiền để mua lại căn nhà được phân đó theo Nghị định 61/CP. Tuy chưa được khang trang, song cũng có nơi chốn ổn định. Hiện nay, chứng kiến các con vất vả lo một mái ấm, chúng tôi cũng thấy buồn lây. Các cháu phải làm ngày làm đêm, huy động mọi nguồn giúp đỡ của gia đình, bạn bè mà vẫn không đủ tiền để được sở hữu căn hộ nho nhỏ làm nơi ở. Thu xếp hòm hòm được một khoản thì giá nhà đất lại tăng gấp mấy lần, khiến chúng cứ phải gắng sức, không biết bao giờ mới đủ tiền. Nếu đề án thành hiện thực, biết đâu nhiều người đỡ khổ.

Bà Nguyễn Thanh Huyền (phố Nguyễn Khiết, quận Hoàn Kiếm): Tránh hiện tượng "làm hàng, làm giá"...
Mặc dù Nhà nước đã có những quy định về việc mua bán nhà ở qua các sàn giao dịch bất động sản, nhằm tăng tính minh bạch và thuận lợi cho cả hai bên mua và bán, nhưng thực tế diễn ra không theo quy định. Sau nhiều năm tìm hiểu và chờ đợi, tôi "kết" một căn hộ cao cấp ở quận Thanh Xuân và yên tâm chờ ngày ra đời sàn giao dịch bất động sản của dự án đó. Ngay sau ngày khai trương rầm rộ, câu trả lời tôi nhận được là đã bán hết các căn hộ giá gốc, chỉ còn suất ngoại giao, nếu muốn mua phải trả tiền chênh lệch. Như vậy, việc các sàn giao dịch bất động sản do Chính chủ đầu tư thành lập để bán sản phẩm của chính mình theo kiểu "vừa đá bóng, vừa thổi còi", mang tính đối phó với các quy định của Nhà nước khiến khách hàng vẫn gặp khó. Vậy thì, với những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người hưởng lương từ ngân sách càng phải có những quy định chặt chẽ hơn để tránh hiện tượng tiêu cực "làm hàng, làm giá".

Ông Nguyễn Gia Huy (phường La Khê, quận Hà Đông): Tập trung quỹ đất về một mối
Không thể phủ nhận nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc lo chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên. Song, việc mạnh ai nấy xin, mạnh ai nấy làm dẫn đến thiếu thiết kế quy hoạch tổng thể, khiến không gian đô thị bị chia nhỏ, manh mún, mật độ dân cư tăng cao. Chưa kể đến sự thiếu công bằng trong việc phân bổ nhà đất cũng như kiểm soát nhu cầu thực tế của đối tượng hưởng thụ. Việc tập trung quỹ đất về một mối và đề ra các tiêu chí xét duyệt nghiêm ngặt sẽ giúp chính sách được triển khai đến đúng đối tượng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (Bộ Công an): Bình xét phải chính xác, trung thực
Không phải cán bộ, công nhân viên chức nào hưởng lương từ ngân sách cũng đang thiếu nhà ở hoặc ở trong điều kiện chật hẹp. Do vậy, công tác điều tra, xét duyệt càng kỹ lưỡng càng bảo đảm công bằng. Sao cho người được quan tâm thấy thỏa đáng, người chưa đủ tiêu chuẩn sẽ nỗ lực phấn đấu, chứ không gây ra sự so bì, nản chí hay mâu thuẫn nội bộ. Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm, từ giám sát kết quả thực hiện đến giải quyết xử lý sai phạm cũng phải nghiêm túc, nghiêm khắc. Có vậy mới đưa chính sách vào thực tế, đúng như kỳ vọng của chính quyền và đông đảo nhân dân.

Trung Dũng