Nhiều tiềm năng phát triển địa nhiệt

Công nghệ - Ngày đăng : 06:45, 09/05/2011

(HNM) - Theo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), các nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam có nguồn địa nhiệt phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát điện công suất nhỏ hoặc áp dụng công nghệ bơm nhiệt đất để điều hòa không khí.

Từ các số liệu đo địa nhiệt trong các lỗ khoan thăm dò dầu khí, đã khoanh được các vùng có địa nhiệt cao là vùng Đông Nam Đồng bằng sông Hồng (độ sâu 3.000m có nhiệt độ hơn 140OC) và ven biển Bình Thuận với diện tích hàng trăm kilômét vuông. Ngoài ra, một số khu vực khác như Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum cũng có nguồn địa nhiệt ở mức cao... có điều kiện để phát điện công suất nhỏ. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Viện Địa chất (thuộc VAST) ở vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy tầng trung hòa nhiệt ổn định 25 - 26OC phân bố ở độ sâu dưới 10-15m, là điều kiện địa chất thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ bơm nhiệt đất (GSHP). Các tính toán mô phỏng công nghệ này với điều kiện thực tế ở Hà Nội cho phép tiết kiệm được 37% năng lượng điện tiêu thụ so với hệ thống điều hòa không khí (RAC) hiện nay. Ngoài lợi ích kinh tế, giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, bơm nhiệt đất còn hạn chế tối đa lượng khí xả ra làm ô nhiễm môi trường.

Việc khai thác năng lượng địa nhiệt bằng công nghệ bơm nhiệt đất (Ground Source Heat Pump - GSHP) để điều hòa không khí đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước (Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…) và đó là giải pháp giúp giảm khí phát thải CO2 hiệu quả nhất.

Văn Giang