Trả lại giá trị thật

Thể thao - Ngày đăng : 06:45, 09/05/2011

(HNM) - Tại Hội thảo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 vừa diễn ra ở Hà Nội, chương trình thi đấu ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi. Bao dồn nén từ những bất cập của ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010 đã bung ra.

Nhiều ý kiến đã không đồng tình với việc có quá nhiều bộ huy chương tại ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI, lên tới gần 900 bộ. Có những môn võ có tới hơn 40 bộ huy chương trong khi tại các giải quốc tế như SEA Games, ASIAD cũng chỉ có một nửa số đó. Cách làm ấy giúp "ban phát" thành tích cho một số đoàn chứ ít đem lại lợi ích chuyên môn và không phù hợp với quy định thường thấy ở các giải đấu quốc tế quan trọng và của các tổ chức thể thao quốc tế. Như môn bắn nỏ. Một số ý kiến kêu trời về cách thức tổ chức và cách đoạt huy chương của VĐV quá đơn giản khiến giá trị tấm huy chương ĐH TDTT toàn quốc bị giảm đáng kể. Ai đời VĐV tập triền miên 4 năm vậy mà chỉ cần bắn 3 phát là đoạt huy chương. Trong khi đó, ở môn bắn cung của thể thao hiện đại, phải thi đấu hết vòng này vòng kia, phải mướt mồ hôi, căng thẳng đầu óc thì VĐV mới đoạt được huy chương, thậm chí trắng tay. Cách tổ chức giản đơn như vậy không chỉ giảm giá trị huy chương mà còn khiến môn thể thao này mất tính hấp dẫn, khó thu hút được sự chú ý của người xem…

Nhiều bất cập đã được chỉ ra, cần được thay đổi để tấm huy chương ĐH TDTT toàn quốc thật sự có ý nghĩa. Chứ chinh phục dễ dàng quá thì người ta không sướng, trừ những người mắc bệnh thành tích.

Thùy An