Pháp quyền không chỉ là pháp luật

Góc nhìn - Ngày đăng : 04:13, 08/05/2011

(HNM) - Những năm qua, Quốc hội đã thông qua rất nhiều bộ luật làm nền tảng cho sự quản lý, điều hành bộ máy nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, nhiều thiếu sót đã bộc lộ - từ tầm nhìn (nhiều bộ luật chưa kịp thông qua đã lạc hậu với thời cuộc); tính khoa học (nhiều luật dựa trên lý thuyết của nước ngoài và ít thực tiễn Việt Nam); đến khả năng thực hiện (có một số điều khoản trong một số luật rất khó khả năng áp dụng vì xa rời thực tế)... Thiếu sót phổ biến nhất, vẫn là tính chủ quan, xa rời thực tiễn, thiếu khoa học của người soạn thảo luật. Đáng quan ngại hơn cả là việc rút kinh nghiệm từ những sai sót đã xảy ra không đến nơi đến chốn nên quy trình nghiên cứu, soạn thảo luật cho đến nay vẫn còn rất nhiều vướng mắc.

Sai sót đáng lo ngại là từ khi bắt đầu soạn thảo và ban hành luật ở nước ta cho đến nay là người ta chỉ quan tâm tới soạn thảo và ban hành luật, còn khả năng và điều kiện cần và đủ để thực thi như thế nào cho hiệu quả, nghĩa là làm sao cho luật thực sự có hiệu lực trong cuộc sống, thì nói chung là "hậu xét". Có trường hợp luật, theo quy định, đã có hiệu lực cả năm rồi, nhưng thực tế nó không những không có hiệu lực mà ngược lại còn làm cho mọi thứ đang bình thường bỗng rối tung lên vì chẳng ai biết phải thi hành thế nào cho đúng do cơ quan có thẩm quyền chưa kịp ban hành những văn bản hướng dẫn cần thiết.

Hiện nay dư luận đang xôn xao vì một trường hợp như thế.

Ngày 23-11-2009 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Khám bệnh, Chữa bệnh và luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Kể từ đó đã hơn bốn tháng nhưng vẫn chưa thể thực hiện vì những người, những cơ quan phải thực thi chưa hề nhận được một văn bản pháp lý nào hướng dẫn thực hiện. Nói chính xác thì ngày 23-12-2010 Văn phòng Chính phủ đã có công văn, Bộ Y tế đã có văn bản đưa ra một vài hướng dẫn nhưng cũng chẳng giúp gì được nhiều cho việc thực hiện bộ luật quan trọng và cần thiết này. Ngay cả nhiều người có trách nhiệm trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho xã hội cũng không biết khi nào sẽ có những văn bản pháp lý cần thiết quy định và hướng dẫn phương thức thực hiện những điều khoản của luật...

Trường hợp với Bộ luật Khám bệnh, chữa bệnh là mới nhất nhưng liệu có là cuối cùng của cách thức làm việc quan liêu - cứ ban hành luật cái đã, còn thực hiện ra sao, có thực hiện được không, rồi sẽ tính.

Nhà nước pháp quyền không chỉ soạn thảo và ban hành đủ luật, mà trước hết là bảo đảm tính nghiêm minh của luật đã được ban hành - sẽ phải được thực thi nghiêm túc, toàn diện, triệt để từ thời điểm có hiệu lực. Pháp luật của ta chưa được thực thi nghiêm túc một phần cũng là do chưa được sự tôn trọng đúng mức ngay từ những người soạn thảo và ban hành.

Nguyễn Triều