Có một Điện Biên trong ngõ nhỏ…
Văn hóa - Ngày đăng : 08:41, 07/05/2011
Tây Bắc hôm nay.
- Tôi được nghe bài hát này lần đầu tiên vào năm 1953 khi các đoàn văn công ra làm đường cho xe tiến vào Điện Biên Phủ và giao lưu với nhau tại bản Nà Tấu. Giai điệu rộn ràng mang lại không khí hào hùng cho những người đi chiến đấu - đó là tất cả những ấn tượng đầu tiên của tôi về "Qua miền Tây Bắc". Tôi, lúc đó mới 18 tuổi, thuộc Đoàn Văn công Sư đoàn 316, còn ông Nguyễn Thành lúc đó 22 tuổi… Cả hai đều mang những cảm xúc về cuộc chiến đấu chung, chưa có gì thuộc về tình cảm riêng tư. Sau này, khi đã lăn lộn với thực tế nhiều hơn, tôi cảm nhận "Qua miền Tây Bắc" đã khắc họa một cách chân thực đường hành quân mình đã từng đi qua, với suối sâu, đèo cao, với tình cảm sâu đậm của đồng bào dân tộc dành cho bộ đội.
- Bà có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hoàn cảnh ra đời khá đặc biệt của tác phẩm "Qua miền Tây Bắc"?
- Ông Nguyễn Thành trầm tính, ít khi nói về tác phẩm của mình. Nhưng câu chuyện về hoàn cảnh ra đời đặc biệt bài hát thì nhiều đồng đội kể: Một đêm hành quân trong chiến dịch đèo Khâu Vát, khi đốt lửa sưởi, nướng măng ăn, Nguyễn Thành lúc ấy đã xé vỏ bao thuốc lá sáng tác bài hát có tên "Tiến vào Tây Bắc". Rồi không vừa ý, Nguyễn Thành đã vứt bản nhạc vào đống lửa. Thế nào mà mấy anh bạn cùng Sư đoàn 308 lấy được, sáng hôm sau hát thử, thấy hay quá… Bài hát lan truyền trong Sư đoàn 308, rồi đến tận Điện Biên Phủ. Tôi được biết, sau này, bộ đội đều hát ca khúc này trước giờ ra thao trường cũng như trước giờ đọc báo…
- Kỷ niệm riêng của ông bà chắc hẳn có sự gắn bó với kỷ niệm chiến trường, tình đồng đội trong những ngày gian khó. Bà có thể nói gì về điều đó?
- Năm 1955, tất cả tập trung về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, lúc đó ông Nguyễn Thành phụ trách đội nhạc, dạy nhạc cho đội múa của tôi. Một lần, ông bảo tôi ở lại và thổ lộ tình cảm, nhưng tôi lại "chê" ông chưa phải đảng viên và nói dối "em có chồng ở quê rồi". Đến 1957, tôi đi Đại hội Thanh niên - Sinh viên lần VII tại Mạc Tư Khoa, về nhà thì ông Nguyễn Thành đã vào Đảng. Đoàn trưởng Đoàn 308 bảo "Nguyễn Thành là đảng viên rồi, còn chê gì nữa". Chiến sĩ Đoàn 308 lúc đó hò nhau bảo vệ "bạn gái" của đồng đội, quyết không cho đối tượng nào khác đến gần tôi (cười). Năm 1958, chúng tôi nên vợ nên chồng. Và chặng đường đến với nhau của chúng tôi cũng giống như nhiều cặp vợ chồng khác trong chiến tranh, đều có những kỷ niệm gắn liền với đồng đội, với đất nước.
-"Qua miền Tây Bắc" sau này đã được Giải thưởng Nhà nước. Nhưng trước đó, ngay khi vừa ra đời, ca khúc này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi…
- Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Thành cùng đội văn công được vào Mường Phăng biểu diễn trực tiếp cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh quân đội xem. Trong hai bài mà ông Nguyễn Thành và bà Song Ninh biểu diễn trước Bộ Tư lệnh tiền phương, có "Qua miền Tây Bắc". Sau khi nghe, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi ông Lương Ngọc Trác - Đoàn trưởng Đoàn Văn công "Cậu nào sáng tác "Qua miền Tây Bắc"? Biết Nguyễn Thành là tác giả, Đại tướng quay sang nói với ông Xuân Tùy, Trưởng ban Tuyên huấn Mặt trận Điện Biên Phủ: "Riêng bài hát này phải được giải thưởng". Và sau đó một thời gian, ông Nguyễn Thành đã được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba. Đó là một kỷ niệm sâu sắc đối với ca khúc "Qua miền Tây Bắc".
Giờ đây, mấy chục năm đã qua, tôi vẫn nhớ những lần cựu chiến binh, Văn công Sư đoàn 308 biểu diễn, bao giờ cũng hát "Qua miền Tây Bắc", mời ông Thành và tôi mỗi người lĩnh xướng một đoạn… Sau khi ông Thành mất, lớp con cháu khi đến đây giỗ ông cũng hát bài hát này.
- Xin cảm ơn bà và chúc bà sức khỏe!