Tìm sự đột phá từ cát, muối và... rác

Du lịch - Ngày đăng : 07:26, 07/05/2011

(HNM) - Chẳng mấy ai nghĩ rằng, cát, muối và rác lại có thể trở thành sản phẩm du lịch. Vậy mà một nhóm nhà khoa học trẻ đã phát triển ý tưởng độc đáo đó thành một dự án tạo sự đột phá cho các sản phẩm du lịch biển Việt Nam từ những thứ tưởng không liên quan ấy.


Ý tưởng "độc"

Dù sở hữu 125 bãi biển đẹp nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa tận dụng và khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch quý giá này. Các địa danh du lịch biển mới chỉ dừng ở việc khai thác, kinh doanh khá đơn điệu. Thêm vào đó, các sản phẩm lưu niệm được bày bán dọc các bãi biển hầu hết vẫn là đồ thủ công từ vỏ ốc, vỏ sò, hạt ngọc trai… Du khách muốn tìm mua món đồ lưu niệm độc đáo, mang "hồn" của biển cũng thật khó. Chưa kể đến chuyện những bãi biển của ta đang bị ô nhiễm nặng nề, khiến không ít du khách nước ngoài "một đi không trở lại".

Nhằm cải thiện tình hình, mới đây, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) đã công bố một dự án độc đáo từ cát, muối và rác. Dự án này hứa hẹn sẽ tạo sự đột phá cho các sản phẩm du lịch biển Việt Nam, đặc biệt thay đổi tư duy trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Với lợi thế từ những bãi cát đẹp, TS. KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo từ cát. Chẳng hạn, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những vườn thiền cát, những mê cung cát giúp cho du khách tham gia các hoạt động, như tập yoga, khám phá ma trận bí ẩn… Chúng ta cũng có thể phát triển nhiều tour du lịch độc đáo từ bờ cát hoang sơ bằng việc xây dựng khách sạn, lâu đài "khổng lồ" làm chốn nghỉ chân cho những cặp tình nhân, những đôi vợ chồng hưởng tuần trăng mật. Thậm chí, với bàn tay khéo léo của người Việt Nam cũng có thể tạo ra nhiều món đồ thủ công lạ mắt từ cát, như sản phẩm trang sức, tranh cát, các bình thủy tinh với những loại hoa trồng trên cát…


Khu du lịch biển Cát Bà (Hải Phòng).

Cũng như cát, muối là nguồn tài nguyên nổi trội của biển Việt Nam, nhưng từ lâu, muối vẫn chỉ được coi như một loại gia vị đơn thuần. Nhiều năm gần đây, người dân ven biển đã phải bỏ những cánh đồng muối trắng vì giá thành quá rẻ. Tuy nhiên, muối có thể góp phần hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như café muối, tranh muối, đèn muối, đồ thủ công từ muối… Ngoài ra, muối còn có tác dụng chữa bệnh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, từ trường từ muối rất có lợi cho sức khỏe con người. Hơn thế, nếu ngồi thiền trên muối sẽ tạo sự thư giãn, tĩnh tại tuyệt vời, hay mát xa bằng muối cũng mang lại nét khỏe khoắn cho làn da. Do đó, các tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp các hoạt động chữa bệnh bằng muối, tổ chức cho du khách tham quan cánh đồng muối, tập yoga với muối… cũng thật tuyệt vời. Giống như cát, muối cũng có thể trở thành vật liệu xây dựng tạo nên những kiến trúc độc đáo: khách sạn muối, hang động muối, ma trận muối, vườn muối… sẽ giúp cho du khách có những khám phá thú vị, hấp dẫn.

Nhóm STDe còn đưa ra ý tưởng táo bạo hơn, đó là biến rác trở thành sản phẩm du lịch có giá trị. Nếu được xử lý qua nhiều công đoạn, rác sẽ được tái sinh thành các vật phẩm thủ công, những món đồ chơi, đồ mỹ nghệ… Dự án của STDe đã đưa ra ý tưởng xây dựng những quán café, công viên tái sinh trên biển từ chính những loại rác thải.

Liệu có khả thi?

Theo quan điểm của một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội, hiện nay trên thế giới, xu hướng du lịch có trách nhiệm với môi trường đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều du khách. Mặt khác, ở nhiều quốc gia, những mô hình kiến trúc độc đáo như nhà, quán hàng… được làm từ cát và rác cũng thu hút được sự hiếu kỳ của đông đảo du khách.

TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh chia sẻ, ý tưởng này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh. Tới đây, Hạ Long và Cát Bà sẽ là những đơn vị tiên phong thực hiện thí điểm ý tưởng trên. Tuy nhiên, để ứng dụng ý tưởng này vào thực tế là cả một vấn đề và phải có một lộ trình chặt chẽ, đặc biệt cần sự chung tay của các doanh nghiệp làm du lịch, những địa phương có thế mạnh khai thác tài nguyên biển.

Thanh Phong