Hư và Thực, vì đâu?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 07/05/2011
Dân gian vẫn nói "không có lửa, làm sao có khói". Người ta có thể dễ dàng hiểu điều gì đã xảy ra trước khi có tin đồn xăng tăng giá, nếu không phải chính từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu? Thực chất, trước khi xuất hiện tin đồn mới đây thì Công ty SaigonPetro, Pvoil và Petec đã đồng loạt đề nghị xin tăng giá xăng và dầu lên khoảng 1.000 đồng/lít. Chỉ sau khi tin đồn xuất hiện, Bộ Tài chính mới phát đi thông tin bác đơn đề nghị tăng giá xăng của các doanh nghiệp đầu mối này.
Dễ dàng nhận thấy, thời gian qua, các tin đồn xung quanh giá xăng dầu luôn có "lộ trình", "kịch bản" hẳn hoi. Ban đầu thường là một nguồn tin nào đó, tiếp đến là hiện tượng bán xăng dầu nhỏ giọt, rồi cơ quan chủ quản xác nhận "sẽ không tăng trong thời gian tới". Nhưng "thời gian tới" là lúc nào thì chẳng ai khẳng định, tức là cũng để ngỏ khả năng tăng giá, thế nên chỉ một thời gian ngắn sau đó là có thông tin doanh nghiệp xin tăng giá vì khó khăn, lỗ vốn, vì giá trong nước thấp hơn thế giới… Và rất ít lần "lời khẩn cầu" của doanh nghiệp bị từ chối, mà tăng giá chỉ là vấn đề thời gian.
Thực tế đã từng nhiều lần xảy ra chuyện tin đồn tăng giá xăng. Và cũng sau sức ép từ dư luận thì bộ chủ quản cũng đã vào cuộc. Chẳng hạn, hồi đầu tháng 8-2008, Bộ Công thương đã tiến hành điều tra nguồn gốc phát tán tin đồn giá xăng tăng. Và cũng nhiều lần bộ này khẳng định sẽ xử lý nghiêm kẻ nào phát tán tin đồn, hay những đơn vị nào cố tình "găm" hàng. Nhưng đến lúc này cũng mới lẻ tẻ một số địa phương tổ chức kiểm tra và mức độ xử lý còn khá yếu. Chỉ tội cho người tiêu dùng, khi tin đồn tăng giá xăng lan nhanh, thì nhiều cây xăng đã vin cớ, găm hàng chờ giá, tạo sức ép lên đời sống của họ.
Kiểu thông tin mập mờ (thật và không thật) xung quanh giá xăng dầu - mặt hàng thiết yếu có tính quyết định với giá thành nhiều hàng hóa, dịch vụ khác - đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp và sự tăng trưởng của nền kinh tế. Những dự báo hay thông tin từ cơ quan chức năng về vấn đề giá xăng dầu nghiễm nhiên được xem là những cam kết nghiêm túc nhất và là cơ sở để đưa ra các quyết định điều hành sản xuất kinh doanh. Song, tiếc là những "thông tin vàng" đó lại chưa được chuẩn hóa và chưa được quản lý một cách nghiêm túc. Đã thành điệp khúc là cứ sau mỗi lần xuất hiện tin đồn, bộ chủ quản lại lên tiếng trấn an, dẹp tin đồn bằng cách khẳng định giá xăng không tăng. Nhưng buồn là ngay sau đó, giá vẫn tăng. Chính vì thế mà người dân vẫn nơm nớp, không dám tin vào sự ổn định của mặt hàng thiết yếu này.
Trong điều kiện giá cả leo thang như hiện nay thì thông tin về giá xăng trở nên cực kỳ nhạy cảm. Cũng chính từ sự nhạy cảm ấy mà tin đồn liên tục xuất hiện. Đã đến lúc Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải có những biện pháp nghiêm túc hơn để dẹp bỏ những tin đồn tai hại về giá cả mặt hàng xăng dầu. Cơ quan quản lý phải thông tin minh bạch đầy đủ cho người dân về cơ chế hình thành giá xăng dầu. Quan trọng hơn là phải tỉnh táo, kiên quyết không để những kiểu kinh doanh với chiêu thông tin "hư hư, thực thực", những tin đồn úp úp mở mở cứ ngang nhiên lan truyền, gây bất ổn cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng. Phải chăng lối loan tin hư - thực bất phân ấy là nhằm dụng ý khuấy cho đục nước để béo cò?