Chứng khoán tiếp tục đi xuống
Tài chính - Ngày đăng : 12:01, 06/05/2011
Giao dịch trên thị trường tăng nhẹ so với phiên trước nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp. Tính cả giao dịch thỏa thuận, toàn thị trường có trên 23,694 triệu đơn vị được sang tay, giá trị chuyển nhượng là gần 800 tỷ đồng. Cả thị trường không có mã nào đạt được từ 1 triệu cổ phiếu trở lại. Dẫn đầu thị trường là STB cũng chỉ có 928.620 cổ phiếu được giao dịch thành công; kế đến là SSI (877.840 cổ phiếu), NTB (573.620 cổ phiếu)…
Cổ phiếu lớn bị bán mạnh trong phiên hôm qua khiến Vn-Index mất đi khá số điểm. Vì thế, nhà đầu tư chán nản, một bộ phận chọn cách đứng ngoài thị trường, bộ phận khác lại chọn bán ra trong phiên hôm nay. Ngay từ đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, cổ phiếu lớn như BVH, MSN đã bị bán mạnh Vn-Index giảm 6,77 điểm, tương đương 1,41%, xuống mức 472,52 điểm. Khối lượng giao dịch tiếp tục ở mức thấp với chỉ 575.360 cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị là 13,675 tỷ đồng. Sang đợt khớp lệnh liên tục, lệnh bán ra còn được tung ra nhiều hơn. Vn-Index mất một mạch 8,5 điểm (-1,77%), xuống mức 470,79 điểm. Thị trường duy trì giảm đến cuối phiên. Đóng cửa thị trường Vn-Index còn 472,71 điểm, giảm 6,58 điểm (-1,37%).
Ảnh minh họa |
Tuy cổ phiếu tăng-giảm giá không qua chênh lệch (95 mã tăng, 103 mã giảm, 91 mã giữ giá tham chiếu) nhưng chỉ số chung giảm khá mạnh trong phiên này do đa số mã thuộc nhóm blue-chips đi xuống. Trong đó đáng chú ý là BVH giảm hết biên độ 4.000 đồng, xuống mức 84.500 đồng/cổ phiếu; MSN giảm sàn ở phiên thứ 2 liên tiếp, mất 6.000 đồng, xuống 117.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra còn phải kể đến DPM (-500 đồng/cổ phiếu), DXG, HAG, HPG, PPC, SAM (-100 đồng/cổ phiếu), GMD (-800 đồng/cổ phiếu), KDC (-700 đồng/cổ phiếu), SJS (-200 đồng/cổ phiếu), VIC và VPL (-2.000 đồng/cổ phiếu). Một số mã lớn khác là DIG, EIB, FPT, KBC, OGC, PVF, SSI, VCB tăng giá nhưng ở biên độ hẹp, 100-600 đồng/cổ phiếu. CTG, ITA, REE, STB, VNM đứng giá.
Như vậy, với diễn biến của thị trường trong thời gian vừa qua, hầu hết các cổ phiếu đã về vùng đáy trong 2 năm và một số đã liên tục tạo đáy mới khiến nhiều nhà đầu tư không muốn đổ thêm tiền vào thị trường chứng khoán. Sau phiên giảm điểm hôm qua, thị trường tiếp tục đón nhận nguồn cung gia tăng từ hoạt động bán giải chấp.
Theo FPTS, nếu như nhóm vốn hóa lớn thu hút được dòng tiền trở lại thì hiện tượng bán tháo có thể sẽ không xảy ra. Ngược lại, nếu dòng tiền không đổ vào nhóm vốn hóa lớn thì kịch bản bán tháo hoàn toàn có thể xảy ra. Trên thực tế việc phán đoán dòng tiền có vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hay không là điều hết sức khó khăn do dòng tiền này phụ thuộc vào một nhóm nhỏ nhà đầu tư trên thị trường. Vì vậy, “nhà đầu tư nên bình tĩnh và không nên bắt đáy ở thời điểm hiện tại"-Công ty này khuyến nghị.
Trong khi Vn-Index tiếp tục đi xuống thì tại sàn Hà Nội HNX-Index đảo chiều tăng 0,59 điểm (+0,72%), lên mức 82,69 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 21,660 triệu cổ phiếu, giá trị là gần 300 tỷ đồng.
Cùng chiều với sàn Tp.HCM, đóng cửa phiên giao dịch buổi sáng, UPCoM-Index dừng ở mức 35,31 điểm, tăng 0,31 điểm (+0,89%). Giao dịch diễn ra èo uột. Tổng cộng chỉ có 82.620 cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị 954,520 triệu đồng.