“Kẻ trộm sách” đến tay bạn đọc Việt Nam

Giải trí - Ngày đăng : 11:00, 06/05/2011

(HNMO) - Kẻ trộm sách - một trong những cuốn sách được các nhà phê bình văn học thế giới đánh giá là đáng đọc nhất trong những năm qua, cuốn sách nhanh chóng chiếm một vị trí trong các tác phẩm kinh điển - đã đến tay bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Cao Xuân Việt Khương...

Bìa cuốn Kẻ trộm sách.

(HNMO) - Kẻ trộm sách - một trong những cuốn sách được các nhà phê bình văn học thế giới đánh giá là đáng đọc nhất trong những năm qua, cuốn sách nhanh chóng chiếm một vị trí trong các tác phẩm kinh điển - đã đến tay bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Cao Xuân Việt Khương và những minh họa đặc sắc của họa sĩ Phạm Duy Đăng.

Nhà văn Úc Markus Zusak viết Kẻ trộm sách năm 2005, ngay lập tức đã tạo một cơn “chấn động” trên các trang phê bình sách của hàng loạt tờ báo. Và tác phẩm đã trụ vững hơn 100 tuần trong top đầu bảng xếp xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times.

Điểm độc đáo của Kẻ trộm sách là người kể chuyện chính là thần chết, với câu chuyện nho nhỏ về cô bé Liesel với cuộc sống mới trong gia đình bố mẹ nuôi ở phố Thiên Đàng – một thị trấn nhỏ tại Munich, Đức trong bối cảnh thế chiến II. Và cuộc gặp gỡ với nhân vật thần chết ta sẽ không tránh khỏi những cảnh chết chóc. Dẫu không có cảnh chiến trường đẫm máu song bóng ma của chiến tranh vẫn hiển hiện khắp nơi với sự tàn khốc ghê rợn và sự phi lý đến cùng cực của nó. Nhưng, sự tàn khốc ấy có phải do bàn tay Thần Chết tạo nên hay không? Tuyệt nhiên không. Cái hình ảnh đáng sợ của ông ta thực ra lại không đáng để ta khiếp hãi đến vậy. Mà không ai khác, con người là thủ phạm gây ra những đau thương tang tóc ấy cho chính đồng loại của họ. Chứng kiến những con người vô tội, những đứa trẻ mang nhiều phẩm chất đẹp đẽ cũng phải lãnh chịu số phận bi thương, chính trái tim của Thần Chết như bị giày xéo và khiến ông bật khóc. Trước những gì con người gây ra cho đồng loại, Thần Chết phải thốt lên: “Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này.”

Câu chuyện mà thần chết kể về Liesel còn là câu chuyện về niềm say mê của cô bé với những con chữ. Con chữ có một ma lực mạnh đến nỗi cô bé đã được mệnh danh là “kẻ trộm sách”. Trong tác phẩm này, chúng ta sẽ thấy ngôn ngữ là một hình tượng được Markus Zusak đan cài hết sức tinh tế, khéo léo. Ngôn ngữ là một thứ ma lực, một sức mạnh riêng. Những thế lực đại diện cho cái ác có thể dùng ngôn ngữ để tàn phá thế giới - như Hitler đã dùng ngôn ngữ để tìm cách thống trị thế giới. Nhưng ngôn ngữ của cái đẹp, cái thiện sẽ là sự cứu rỗi thế giới. Một thông điệp không mới, nhưng đã được nhà văn thể hiện thật khéo léo, xúc động và giàu hình tượng, để lại cho người đọc những ám ảnh khôn nguôi.

Kẻ trộm sách được viết nên bằng một văn phong đặc biệt, lôi cuốn. Sự thành công của Kẻ trộm sách còn nằm ở tài năng khắc họa nhân vật của Zusak - ông đã thổi một luồng sinh khí vô cùng mạnh mẽ vào từng nhân vật, khiến cho họ – tuy chỉ được biết đến qua những con chữ trên mặt giấy – vẫn sống động và đầy cá tính, vẫn khiến người đọc phải đau nỗi đau của họ, vui niềm vui của họ, và hồi hộp theo dõi câu chuyện cuộc đời họ cho đến tận trang sách cuối cùng. 

H.T