Củng cố vai trò của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 06/05/2011
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh chung cùng các đại biểu. Ảnh: TTXVN |
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định: Trong 10 năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7,26%, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 10% năm 2010, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện. Việt Nam cũng đã về đích trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nhìn nhận Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo và chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực của khủng hoảng kéo dài, lạm phát cao, nợ công, thâm hụt tài khóa, thất nghiệp và sự tàn phá của thảm họa thiên nhiên... 5 năm tới sẽ là giai đoạn kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, thu nhập khu vực nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm 2010. "Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, ủng hộ và tư vấn chính sách" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lạc quan cho rằng đây cũng là cơ hội để mỗi quốc gia nhìn nhận và tự hoàn thiện; đồng thời xác định những mục tiêu mới để phấn đấu. Thủ tướng tin tưởng với sự hợp tác có hiệu quả hơn nữa giữa các nước thành viên ADB, châu Á chắc chắn sẽ có một sức mạnh to lớn để hướng tới tương lai ổn định, phồn vinh và thịnh vượng.
Tại hội nghị, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho rằng, khi Việt Nam đang thúc đẩy hội nhập vào châu Á - Thái Bình Dương thì cả khu vực cũng đang gặp phải những thách thức to lớn trong mục tiêu củng cố vai trò và ảnh hưởng trong nền kinh tế toàn cầu. Theo Chủ tịch ADB, vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là lạm phát đang gia tăng nhanh chóng khi nhiều nền kinh tế có dấu hiệu phát triển quá nóng do quay lại tăng trưởng cao. "Các nhà hoạch định chính sách cần xem xét hết sức thận trọng các biện pháp kiểm soát lạm phát vì sẽ gây tác động mạnh mẽ đến những người nghèo nhất". Chủ tịch ADB cũng cho biết mặc dù đã chứng tỏ được khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài, trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới nhưng châu Á vẫn là nơi có hàng trăm triệu người nghèo nhất thế giới. Điều đó cho thấy phát triển hợp lý và bền vững không chỉ là tăng trưởng kinh tế mà còn cần tới những mạng lưới an sinh xã hội và y tế mạnh... Chủ tịch ADB đồng thời đề xuất 5 biện pháp để châu Á đối phó với khó khăn và khai thông tiềm năng phát triển gồm: củng cố vai trò lãnh đạo của nhà nước, thúc đẩy quản trị công; thu hút nguồn vốn tiết kiệm cho phát triển, bảo đảm quyền tiếp cận tài chính cho người nghèo, doanh nghiệp nhỏ và vừa...; chia sẻ và học tập kinh nghiệm với các châu lục khác; hợp tác nâng cao tính chống chịu của nền kinh tế, tận dụng kết nối rộng lớn để xử lý những thách thức; đầu tư vào cơ sở hạ tầng cứng và mềm. Riêng vấn đề này, ông Kuroda dự tính châu Á cần hơn 750 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020 cho hạ tầng, nhưng đây là chìa khóa cho tăng trưởng toàn diện của châu lục. "Sự mất cân đối nền kinh tế cần được giải quyết để đưa châu Á khỏi vị trí công xưởng thế giới mà thay vào đó là châu Á tiêu dùng". Ông Kuroda cũng đồng thời khẳng định ADB cam kết ủng hộ sự phát triển của châu Á, những nước thành viên trong nỗ lực vượt qua những thử thách và xây dựng một châu Á không nghèo đói và đảm nhận trách nhiệm toàn cầu lớn hơn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tọa Hội đồng Thống đốc ADB Nguyễn Văn Giàu khẳng định các quốc gia thành viên luôn ủng hộ ADB thực hiện Chiến lược 2020 và hỗ trợ các nước trong khu vực vượt qua nghèo đói với chính sách đầu tư vào 5 lĩnh vực cơ sở hạ tầng, môi trường, hội nhập khu vực, phát triển tài chính và giáo dục. "ADB cần hành động để bảo đảm các quỹ cứu trợ có thể thích ứng nhanh chóng, hỗ trợ các thành viên ngăn chặn rủi ro của suy giảm kinh tế và thiên tai", Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đề xuất.
Ký kết các khoản vay trị giá hơn 1,5 tỷ USD * Ngày 5-5, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã chứng kiến lễ ký kết khoản vay trị giá 1,38 tỷ USD của ADB dành cho Việt Nam. * Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chứng kiến lễ ký Hiệp định vay vốn giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho dự án Xây dựng cầu Vàm Cống trị giá 200 triệu USD. |