Bao giờ lợi thế thành động lực thực sự?

Công nghệ - Ngày đăng : 06:58, 06/05/2011

(HNM) - Trong các vùng kinh tế của cả nước, Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có tiềm lực, cơ sở vật chất về khoa học - công nghệ (KHCN) đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, làm thế nào biến lợi thế này thực sự thành động lực phát triển kinh tế, xã hội?

Bài toán chưa có lời giải

Theo Bộ KHCN, vấn đề sử dụng vốn từ ngân sách trung ương cho KHCN ở nhiều địa phương vùng ĐBSH nói riêng và cả nước nói chung còn bất cập. Kinh phí được giao cho lĩnh vực đầu tư phát triển đa phần không được sử dụng hết. Nhiều địa phương còn yếu trong việc xây dựng, lập dự án, chuẩn bị các thủ tục đầu tư, xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án theo các quy định hiện hành. Cá biệt, các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình trong hai năm qua không sử dụng một đồng nào trong kinh phí đầu tư phát triển KHCN. Cho đến nay, ngoài nguồn ngân sách, các tỉnh gần như chưa tổng hợp được thực trạng đầu tư, sự hỗ trợ tài chính khác cho hoạt động KHCN địa phương. "Ngoài ra, dù có kinh phí nhưng nguy cơ vốn từ KHCN "chảy" sang các lĩnh vực khác được xác định cấp bách hơn như chống dịch bệnh, thiên tai... là thường xuyên. Những lý do đưa ra có vẻ hợp lý nhưng không thể phủ nhận vị trí của ngành KHCN chưa được coi trọng" - ông Trần Văn Minh, Giám đốc Sở KHCN Quảng Ninh chia sẻ một thực tế đang xảy ra ở nhiều nơi.

Phòng nghiên cứu tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc (Sở KH&CN Vĩnh Phúc). Ảnh: Huy Hùng

Riêng vấn đề bố trí cán bộ chuyên trách KHCN cấp quận, huyện, thị xã đến nay vẫn còn chưa thống nhất. Hầu hết các địa phương coi KHCN là "vấn đề của Nhà nước" nên bố trí nhân lực theo dõi ngành khi thì ở phòng công thương, lúc ở phòng kinh tế, thậm chí ở cả phòng nông nghiệp. Hội đồng KHCN cấp này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến hiệu quả hoạt động và công tác tham mưu rất hạn chế...

Theo Bộ KHCN, ngoài Vĩnh Phúc, chưa có thêm tỉnh nào trong vùng ĐBSH dành đủ 2% ngân sách chi cho hoạt động KHCN theo đúng tinh thần của Luật KHCN. Ngoài những lý do nội tại như thiếu nhân lực đủ sức đảm đương nhiệm vụ, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn thì còn có lý do nhận thức về vai trò của KHCN ở nhiều cấp lãnh đạo chưa cao. Lãnh đạo 11 sở KHCN trong vùng thống nhất rằng, đây chính là trở ngại khiến hoạt động KHCN chưa được như mong muốn.

Trăn trở tìm hướng đi

Mặc dù còn không ít trở ngại nhưng với nhiều lợi thế sẵn có, hoạt động KHCN của các địa phương vùng ĐBSH thời gian qua cũng có chuyển biến tích cực. Đáng lưu ý hơn cả là hoạt động KHCN đã gắn nhiều hơn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Thành công này là nhờ các địa phương chủ động tìm nhiều hướng đi phù hợp với điều kiện sẵn có.

TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết, sớm nhận thấy vấn đề chuyển giao kết quả nghiên cứu vào đời sống là trở ngại lớn nhất, nên thời gian qua ngành đã chủ động tổ chức hội nghị liên kết "ba nhà": nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp. Qua hai năm (2009-2010), với cầu nối là Sở KHCN, đã có hơn 200 lượt trường ĐH, viện nghiên cứu, tổ chức tham gia giới thiệu năng lực KHCN, thiết bị sẵn sàng chuyển giao. Gần 200 doanh nghiệp cũng tham gia sự kiện này với gần 100 đơn đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất. Đó là "sân chơi" bổ ích cho cả "ba nhà", đưa KHCN gắn kết hơn với đời sống xã hội.

Tại Hải Phòng, địa phương đầu tiên trong cả nước mạnh dạn triển khai sàn giao dịch công nghệ và thiết bị theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. "Mỗi năm, website Chợ công nghệ, thiết bị trực tuyến thu hút hơn 200.000 lượt truy cập và có tới 362 nhà cung cấp tham gia với gần 2.000 thông tin công nghệ, thiết bị, giải pháp phần mềm được chào bán... Giai đoạn 2009-2010, 10 doanh nghiệp đăng ký tại sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả với tổng giá trị hợp đồng ký kết đạt hơn 200 tỷ đồng" - TS Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở KHCN Hải Phòng chia sẻ.

Riêng với Quảng Ninh, nhờ sự kiên trì thuyết phục trong thời gian dài nên đây là địa phương đầu tiên trên cả nước được UBND tỉnh giao Sở KHCN là cơ quan đầu mối quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư phát triển KHCN trên địa bàn.

ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là địa bàn có đội ngũ nhân lực KHCN, các cơ quan nghiên cứu, triển khai công nghệ hàng đầu cả nước. Riêng tại Hà Nội, số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang sinh sống và làm việc ở đây chiếm hơn 65% tổng số nhà khoa học cả nước. "Mỏ vàng" ấy nếu được khai thác tốt sẽ là lợi thế lớn. Nhưng đến nay, hoạt động KHCN của các tỉnh ĐBSH tạm thời vẫn đóng "vai phụ" trong kế hoạch phát triển của nhiều địa phương. Rõ ràng, thực tế ấy cho thấy bài toán khai thác nguồn lực khoa học vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Trà My