Hà Nội: Tìm “kế sách” để kinh tế Thủ đô “cất cánh”
Kinh tế - Ngày đăng : 23:27, 05/05/2011
Tại cuộc họp, Trưởng Ban chỉ đạo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, hội nghị tập trung vào 3 vấn đề chính: Thông báo quyết định của Thành ủy Hà Nội về việc thành lập Ban chỉ đạo; đề xuất quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và đặc biệt là thảo luận xây dựng Đề cương Chương trình công tác của Thành ủy khóa XV là “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững”.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá khái quát chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô giai đoạn 2006-2010 và dự báo tình hình giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, trong giai đoạn 2006 – 2010, kinh tế Thủ đô đã tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân 10,73%/năm, cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn liên tục tăng qua các năm, cả giai đoạn đạt 600.602 tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tập trung cho các ngành và sản phẩm chủ lực có triển vọng. Các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả, nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái được triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội chưa được cải thiện nhiều (năm 2010, PCI của Hà Nội xếp thức 43/63 tỉnh thành, giảm 10 bậc so với năm 2009). Nhìn chung, kinh tế phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp. Môi trường sản xuất kinh doanh và đầu tư chưa thực sự tạo được điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Nguyên nhân khách quan của vấn đề trên được Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích là khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn, đa dạng, phức tạp, trong khi sự phân công, phân cấp và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực ban hành chậm, thiếu đồng bộ. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành Trung ương với thành phố một số việc chưa đồng bộ hoặc chưa thống nhất.
Về nguyên nhân chủ quan, công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của thành phố trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở không ít địa phương, cơ sở, sở, ngành còn thiếu năng động, quyết liệt, thậm chí trì trệ, chưa theo kịp yêu cầu chỉ đạo của thành phố. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có việc chưa tốt, còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh việc khó; xem xét, xử lý trách nhiệm còn thiếu kiên quyết.
Sản xuất tại Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel.
Từ những mặt mạnh và yếu trên, mục tiêu của Hà Nội trong giai đoạn 2011 – 2015 là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế với mức tăng trưởng cao và ổn định trên cơ sở nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội – môi trường. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế có trình độ phát triển cao của vùng và cả nước, gắn với phát triển kinh tế tri thức đi đầu cả nước, phấn đấu hoàn thành trước từ 1- 2 năm những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản về công nghiệp hóa – hiện đại hóa Thủ đô, góp phần cùng cả nước để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh, khai thác tốt các nguồn lực trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tăng năng suất lao động xã hội; giữ vững và mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho hàng hóa và dịch vụ của Hà Nội.
Để đạt được những mục tiêu trên, dự thảo kế hoạch thực hiện của Sở Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến 7 giải pháp. Một là tăng hiệu quả quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Hai là, cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh. Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội bảo đảm phát triển hài hòa kinh tế- xã hội- môi trường, mở rộng liên kết kinh tế, đẩy mạnh xã hội hóa. Bốn là, tập trung đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm, các ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh gắn với vấn đề bảo vệ môi trường. Năm là nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Sáu là, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên cho tăng trưởng, chú trọng bảo vệ tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Bảy là, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và đảm bảo kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa xã hội.
Tại hội nghị, sau khi nghe ý kiến đóng góp từ các sở, ngành, huyện, các tổng công ty lớn của thành phố (như Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Tổng công ty Du lịch Hà Nội…), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo việc thống nhất thành lập tổ công tác thực hiện chương trình tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững; các ngành phải cử cán bộ chuyên trách thực hiện về vấn đề này; Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện chương trình. Mời tham gia đóng góp ý kiến vào chương trình từ một số doanh nghiệp chủ lực của thành phố như Hanel; các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, du lịch, giao thông vận tải. Chủ tịch cũng yêu cầu, trong tháng 5/2011 phải xây dựng xong quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, nhiệm vụ của các thành viên.
Về đề cương thực hiện chương trình, Chủ tịch cho rằng cần thống nhất tên gọi với nội dung tập trung trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. Rút kinh nghiệm trong các giai đoạn trước, ở giai đoạn 2011- 2015 phải lượng hóa được mức độ tăng trưởng. Điểm yếu của Hà Nội là hiện chưa phát triển nhanh được nền kinh tế tri thức, hiệu quả kinh tế Thủ đô còn thấp, hiệu quả sử dụng đất và đầu tư chưa cao, năng suất lao động còn thấp, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bị tụt hạng… Khắc phục những vấn đề trên, trong thời gian tới Hà Nội phải phát triển kinh tế trọng tâm vào việc nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững. Tăng trưởng kinh tế sẽ đồng nghĩa với việc thành phố giải quyết được nhiều việc làm, đảm bảo an sinh xã hội…
Cuối cùng, Chủ tịch yêu cầu việc xây dựng chương trình thực hiện phải cụ thể, đề ra chủ trương phương hướng, giải pháp rõ ràng để kinh tế Thủ đô có cơ sở “cất cánh”.