“Nóng” với biên chế giáo viên mầm non và tuyển sinh đầu cấp
Giáo dục - Ngày đăng : 07:09, 05/05/2011
Trăn trở với biên chế GV mầm non
Thiếu GV mầm non luôn là vấn đề được các đơn vị quan tâm tại nhiều kỳ giao ban với lãnh đạo TP, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Cao Thị Bích Lan đề nghị: TP cần sớm ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức GV mầm non, nếu không sẽ xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám", nhiều GV mầm non giỏi sẽ bị "hút" ra khối ngoài công lập hoặc ra khỏi ngành. Cùng trăn trở này, bà Nguyễn Thị Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: Có tới 13/23 trường mầm non trên địa bàn huyện còn thiếu cán bộ quản lý, trong đó có đơn vị thiếu đến 2 hiệu phó. Mầm non là bậc học tiềm ẩn nhiều rủi ro, rất cần có đội ngũ cán bộ quản lý hoàn chỉnh, chuyên tâm gắn bó, nhưng huyện không thể bổ nhiệm được do những GV đủ điều kiện chưa phải là viên chức.
Để giữ chân được những người giỏi và tạo công bằng cho các đối tượng, đại diện lãnh đạo quận Hà Đông kiến nghị TP cho phép các quận, huyện, thị xã khi xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức được cộng điểm ưu tiên cho những GV đang công tác trong ngành, đặc biệt là những GV đã cống hiến lâu năm.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, các quận, huyện, thị xã cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức cho đơn vị mình. Theo kế hoạch TP giao, có hơn 21.000 GV đang làm hợp đồng sẽ được hưởng các chế độ, chính sách như viên chức nhà nước và hơn 4.900 GV mầm non 5 tuổi được tuyển dụng vào biên chế. Vì vậy các đơn vị không lo thiếu GV mầm non.
Để giải quyết tình trạng thiếu cán bộ quản lý mầm non, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bính Ngọc giao cho các quận, huyện, thị xã từ nay đến tháng 6-2011 phải hoàn thành việc bổ nhiệm cán bộ quản lý đúng, đủ theo quy định. TP đã thông qua đề án do Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT xây dựng và sẽ sớm có quyết định về việc tuyển GV mầm non vào biên chế với phương án xét tuyển. Các điều kiện xét tuyển sẽ được "mở" hơn khi không tính đến 2 điều kiện là điểm trung bình toàn khóa và độ tuổi của thí sinh, do có những người đã cống hiến trong nghề tới hơn 30 năm. Cách làm này được hầu hết các đại biểu nhất trí cao bởi sẽ giúp cho GV thêm chuyên tâm, gắn bó với nghề.
Áp lực tuyển sinh ở nội thành và những khu đô thị mới
Minh chứng cho thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết: Nếu chia bình quân tổng số HS trong độ tuổi trên địa bàn cho các trường thì không có vấn đề gì, nhưng do mật độ phân bố dân cư không đều, thường tập trung ở những khu đô thị mới nên áp lực tuyển sinh đè nặng lên các trường công lập quanh khu vực. Đơn cử như khu đô thị mới Văn Quán hiện nay chỉ có một trường mầm non, một trường tiểu học, việc bố trí chỗ học cho những HS của các hộ gia đình mới chuyển đến khá phức tạp. Thực tế, nhu cầu của phụ huynh tập trung vào một số trường, đông đến nỗi nếu đáp ứng đủ thì sĩ số mỗi lớp của những trường này phải lên cả trăm HS.
Cũng theo ông Trường, việc đăng ký tạm trú hiện nay rất đơn giản, vì vậy các trường thường phải áp dụng thêm các quy định để "lọc" đối tượng tuyển sinh như chỉ tuyển những trường hợp đăng ký trước khi nhập học từ 1 năm đến 2 năm. Thực tế, có nhiều gia đình chỉ tìm cách đăng ký tạm trú cho con vào hộ khẩu của người thân, bạn bè chứ không sinh hoạt tại địa chỉ này nên người dân địa phương phản ứng rất mạnh khi con em họ không đủ chỗ học.
Giải quyết thực trạng này, bà Cao Thị Bích Lan, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất, lãnh đạo TP có yêu cầu cụ thể với công an các quận, huyện, thị xã, tăng cường quản lý các hộ dân khi thực hiện Luật Cư trú, nhất là vào mùa tuyển sinh. Hoàn Kiếm đã có văn bản chỉ đạo riêng với công an quận để tránh tình trạng một hộ với diện tích nhà chưa đầy 30m2 mà nhập khẩu cho cả gần chục cháu để được nhập học ở các trường trên địa bàn.
Còn Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa Nguyễn Duy Long cho biết: Khu tập thể Kim Liên cũ sau khi được xây mới đã khiến số trẻ lớp 1 ra lớp dự kiến lên tới 550 cháu, cao hơn gấp đôi so với năm ngoái. Điều này gây sức ép rất lớn lên hệ thống trường tiểu học quanh khu vực, đặc biệt là Trường Tiểu học Kim Liên. Còn ở khu Nam Thành Công - nơi có thêm 2 khu nhà ở và văn phòng cao gần ba chục tầng thì đã có tới 538 trẻ đến tuổi vào lớp 1. Mặc dù đã được cho phép tuyển sinh "du di" so với điều lệ là 50 HS/lớp, nhưng Trường Tiểu học Nam Thành Công cũng chỉ đủ điều kiện tiếp nhận tối đa 9 lớp. Như vậy là còn tới gần 100 cháu sẽ rất khó khăn.
Về phương án tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2011-2012, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định bảo đảm đủ chỗ cho HS, tuy nhiên vẫn khó tránh khỏi tình trạng áp lực cục bộ tại một số khu vực, đòi hỏi các quận, huyện, thị xã phải có kế hoạch tuyển sinh hợp lý. Trong đó, việc giao quyền chủ động cho các đơn vị trong phân tuyến tuyển sinh là điều được lãnh đạo ngành nhấn mạnh để bảo đảm quyền lợi cho mọi đối tượng HS và tránh bức xúc trong dư luận.