Đánh thuế biệt thự bỏ hoang: Giới đầu cơ có sợ?
Đời sống - Ngày đăng : 06:24, 05/05/2011
Dãy biệt thự trong KĐT Việt Hưng đã được hoàn thiện phần thô nhưng không có người đến ở trong cả thời gian dài. Ảnh: Huyền Linh |
KTS Ngô Kim Khanh (Giám đốc Công ty CP Kiến trúc 9+): Giải pháp hay nhằm bảo đảm cảnh quan, kiến trúc đô thị
Ai thấy cảnh biệt thự bỏ hoang cũng có thể cảm nhận về mỹ quan và sự lãng phí tài nguyên đất. Ở góc độ chuyên môn, đó còn là sự lãng phí chất xám, bỏ ra cho việc thiết kế kiến trúc. Có nhiều lý do dẫn đến việc bỏ hoang biệt thự tiền tỷ, song nguyên nhân lớn nhất là đầu cơ. Do vậy, đánh thuế các căn biệt thự này là một giải pháp hay, song để thực hiện được cũng không đơn giản, nhất là trong việc xác định nguồn gốc tài sản cũng như xác định nguyên nhân bỏ hoang là chủ quan hay khách quan để quyết định có thuộc diện phải chịu thuế hay không. Nếu làm không chặt chẽ thì người sở hữu những căn biệt thự đó sẽ tìm mọi cách để đối phó như hoàn thiện nửa vời, khi có đoàn kiểm tra mới đến ở, cần công khai, minh bạch những trường hợp thuộc diện chịu thuế.
Bà Trịnh Kim Vân (kinh doanh bất động sản tại huyện Từ Liêm): Chấm dứt tình trạng kẻ ăn chẳng hết, người lần chẳng ra
Quỹ đất có hạn, một người sở hữu quá nhiều nhà, đất thì nhiều người khác mất phần. Sở hữu nhà không đơn thuần như mua tấm áo, không dùng thì để đấy hoặc bỏ đi, không ảnh hưởng đến ai. Người mua nhà, đất có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt, song phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt vì lợi ích của cả cộng đồng. Người kinh doanh bất động sản có vốn thường găm hàng, chưa được giá thì chưa bán. Nhưng nếu nhà đất, biệt thự hàng chục tỷ đồng mà bị đánh thuế thì mấy ai dám để thời gian dài, dẫn đến bất động sản sẽ nhanh chóng được lưu thông trên thị trường, đến tay người thực sự có nhu cầu, tình trạng đầu cơ giảm chấm dứt cảnh "kẻ ăn chẳng hết, người lần chẳng ra".
Ông Đoàn Mạnh Quân (phường Láng Thượng, quận Đống Đa): Đánh thuế 2-3%/tài sản/ năm là hợp lý
Việc thu thuế đối với biệt thự, nhà bỏ hoang là nhằm hạn chế sự lãng phí về nhà ở trong bối cảnh nguồn cung bất động sản vẫn chưa đáp ứng nổi cầu, nhất là ở Hà Nội. Định mức thuế 2-3%/tài sản/năm và chỉ áp dụng với các trường hợp nhà đất trong các dự án có khả năng hoàn thành và đã có đầy đủ hạ tầng giao thông, điện nước, trường, chợ… là hợp lý. Với những biệt thự, căn hộ, mảnh đất tiền tỷ thì mức đó là đáng kể, khiến chủ sở hữu không thể tiếp tục để hoang được nữa. Định mức thấp hơn, có thể không có ý nghĩa với giới đầu cơ nhà, đất bởi hầu hết thuộc hàng "đại gia".
Bà Trần Thị Hằng (khu đô thị mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai): Cần có quy hoạch phù hợp
Tại các khu đô thị mới, điển hình như khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, nơi gia đình tôi đang sinh sống, loại hình nhà chung cư đều được nhanh chóng hoàn thiện, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả cao, rất ít căn hộ bị để hoang. Nhưng giữa các khu chung cư đông đúc, vẫn còn rất nhiều biệt thự bỏ hoang cỏ mọc ngập đầu người. Mỗi căn biệt thự trị giá bằng 4-5 căn hộ, diện tích đất hàng trăm mét vuông mà bị bỏ hoang thì là sự lãng phí rất lớn về quỹ đất và vốn đầu tư của người dân, xã hội. Rất mong các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền, khi phê duyệt các dự án nhà ở cần quan tâm đến việc phân khúc các loại hình nhà chung cư, biệt thự cho phù hợp như giảm biệt thự, tăng chung cư… Tùy vị trí, tính chất dự án mà thay đổi cán cân quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu của xã hội và nhu cầu của người dân.