Sẽ không có hồi kết, nếu...

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:22, 04/05/2011

(HNM) - 17h ngày 1-5-2011, tại khu vực bờ sông Lam thuộc bản Đình Hương, xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Một nhóm phu vàng gồm 7 người dân địa phương đang đào khoét dọc bờ sông để khai thác vàng trái phép thì nước sông Lam bất ngờ dâng cao làm sập hầm khiến 5 trong số 7 nạn nhân bị tử nạn.


Trước đó một ngày, tại khu vực Hố Khế, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (Bình Định) cũng xảy ra một vụ sạt lở đất đá làm 3 người đãi vàng trái phép thiệt mạng.

Trước đó tròn một tháng, 7h sáng ngày 1-4, cũng tại địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra vụ sập mỏ đá Lèn Cờ thuộc xã Nam Thành, huyện Yên Thành làm 18 người tử vong, 6 người khác bị thương nặng. Nỗi đau ấy còn lớn hơn khi hơn năm mươi đứa trẻ giờ bỗng bị mồ côi cha mẹ...

Sau vụ sập mỏ đá ở Lèn Cờ, ngành chức năng của địa phương cho biết, đã tăng cường kiểm tra giấy phép và việc thực hiện quy trình khai thác tại các mỏ khoáng sản để bảo đảm an toàn cho người lao động. Tuy nhiên với vỏn vẹn 7 cán bộ làm công tác quản lý 265 mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì công tác kiểm tra, rà soát địa bàn cũng chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa". Còn sau vụ việc ở bản Đình Hương, lãnh đạo huyện Tương Dương thừa nhận, nhiều năm qua địa bàn huyện luôn là điểm nóng của tình trạng khai thác vàng trái phép, các xã và lực lượng công an đã liên tục kiểm tra và tuyên truyền, nhắc nhở người dân, nhưng họ vẫn lén lút đào đãi vàng nên mới xảy ra hậu quả đau lòng như vậy. Tóm lại, đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên ở địa phương...

Tìm hiểu các vụ việc nêu trên phải chăng đều do những nguyên nhân khách quan như lực lượng mỏng, chế tài xử phạt các sai phạm chưa đủ sức nặng, rồi chủ các doanh nghiệp hoặc người lao động bất cẩn, chưa quan tâm tới vấn đề an toàn...? Vậy trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của ngành chức năng, của chính quyền địa phương, của từng cán bộ ở đâu? Nếu cứ sau mỗi vụ việc xảy ra là các cuộc họp phân tích rút kinh nghiệm và triển khai những đợt công tác, ra quân, thậm chí phát động cả một "chiến dịch" rầm rộ theo từng chủ đề... tất cả chỉ có vậy thì chắc chắn danh sách những vụ tai nạn thương tâm như đã nêu ở trên sẽ còn dài ra mãi và khó có hồi kết.

Nhìn lại những vụ việc xảy ra, hiện công tác quản lý của chúng ta không riêng trong lĩnh vực an toàn lao động, nhìn chung là không theo kịp với thực tế tình hình, luôn ở trạng thái bị động, ấy là chưa nói tới chiến lược, tầm nhìn và dự báo trước những tình huống xảy ra để có biện pháp ứng phó hiệu quả.

Theo công bố của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1-5 (Ngày Quốc tế lao động) năm nay, Tháng Công nhân sẽ được tổ chức thường niên để chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Mỗi một năm bây giờ có rất nhiều ngày kỷ niệm, cũng có không ít đợt ra quân, phong trào, chiến dịch... được phát động rầm rộ. Mục đích, ý nghĩa, yêu cầu đều được đặt ra rất cụ thể. Nhưng, nếu như một cuộc phát động chỉ được chú trọng tới bề nổi, để rồi sau khi được khuếch trương như "đến hẹn lại lên", mọi việc lại rơi vào trạng thái... vẫn y nguyên, có "phát" mà không có "động" thì tất cả chỉ là con số không! Vẫn những cán bộ đó, vẫn tư duy đó và vẫn đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan muôn thủa thì chắc chắn khó mà khắc phục những yếu kém, bất cập không chỉ riêng trong lĩnh vực bảo vệ sự an toàn cho người lao động.

Hoàng Thu Vân