Bắt đầu từ cái ao làng

Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 04/05/2011

(HNM) - Công cuộc đô thị hóa tràn vào làng quê phát sinh rác thải, khí thải công nghiệp và thói quen xả rác tùy tiện của người dân khiến môi trường ô nhiễm nặng nề.


Tại cuộc giao ban nông thôn mới (NTM) TP mới đây, lãnh đạo các huyện đều phản ánh tiêu chí môi trường là vấn đề nóng bỏng khó thực hiện khi nông thôn ùn tắc rác thải, ao, hồ bị lấn chiếm. Thế nhưng, tại huyện Đan Phượng, vấn đề môi trường, cảnh quan nông thôn được giải quyết hiệu quả với việc cải tạo ao môi trường và thu gom rác thải.

Xã hội hóa đầu tư


Nhiều ao làng ở huyện Đan Phượng được cải tạo góp phần điều hòa môi trường. Ảnh: Bá Hoạt


Đan Phượng là huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Tuy hướng phát triển là huyện đô thị, công nghiệp song vấn đề bảo tồn giá trị làng, xã, nâng cao đời sống cho người dân, tạo môi trường sống tốt trở thành tiêu chí trọng tâm khi xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường luôn được Đan Phượng đặc biệt chú trọng. Khi triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện đã rà soát tất cả các ao ở các xã. Không chọn phương án lấp ao để xây dựng công trình hay cho đấu giá, thay vào đó là đầu tư, cải tạo thành ao môi trường để tạo cảnh quan, điều hòa không khí. Thống kê năm 2008, Đan Phượng có 106 ao với diện tích trên 37ha. Theo quy hoạch, đến năm 2015, huyện sẽ cải tạo và nâng cấp 101 ao thành ao môi trường. Dự kiến đầu tư trên 100 tỷ đồng, trong đó huyện sẽ hỗ trợ một phần ngân sách, khoảng 500 triệu đồng một ao, còn lại là ngân sách xã và xã hội hóa huy động dân đóng góp. Năm 2010, huyện đã cải tạo, xây dựng 25 ao với tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng, năm 2011 đang tiếp tục cải tạo 10 ao.

Khắc phục tình trạng nhiều nơi ao trở thành bãi rác lớn gây ô nhiễm, Đan Phượng xác định cải tạo, xây dựng ao môi trường là một giải pháp sáng tạo, cần thiết để chống ngập úng cục bộ, giữ lại nét đẹp của làng quê Việt trong xu thế đô thị hóa. Đặc biệt, Đan Phượng là huyện ngoại thành xây dựng đề án xử lý rác thải ở các xã. Hiện tại, 100% xã trong huyện có đề án thu gom rác thải. Ngoài ra huyện đã quy hoạch và xây dựng 19 bãi trung chuyển rác thải, không để rác tồn trong khu dân cư gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân. Huyện đang tích cực triển khai xây dựng dự án Nhà máy xử lý, chế biến rác thải công suất 100 tấn/ngày lớn nhất huyện tại xã Phương Đình. Đến Đan Phượng không còn cảnh những bãi rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường mà đã được vận chuyển trong ngày trong khi các địa phương khác đang bế tắc trong khâu này.

Sự đồng thuận trong dân

Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, để giữ và xây dựng mô hình ao môi trường trong khu dân cư không phải là điều đơn giản. Trải qua nhiều năm, ao làng đã bị "biến dạng" thành những bãi rác, những hồ chứa nước thải. Không ít các hộ dân xung quanh lấn chiếm, cơi nới nhà cửa, thậm chí làm sân sau để xây dựng các khu vệ sinh. Điều này đã gây bức xúc lớn trong dân. Tại xã Đan Phượng, những chiếc ao rộng, thoáng được kè đá, dòng nước xanh trong. Xung quanh ao những hàng cây, hàng ghế đá và cột đèn tạo nên khung cảnh như công viên trong TP. Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Xuân cho biết, nhận thức rõ giá trị ao làng trong đời sống văn hóa và tác dụng của nó với cuộc sống, năm 2007 xã Đan Phượng đã rà soát và xây dựng mô hình ao môi trường. Hiện xã đã xây dựng được 11/14 ao với diện tích khoảng 27.000m2.

Khẳng định thành công xây dựng mô hình ao môi trường, Chủ tịch huyện Đan Phượng Đinh Hữu Hạnh cho rằng, điều cốt yếu là tạo đồng thuận trong dân. Thực tế, tại xã Đan Phượng tình trạng lấn chiếm lòng ao xảy ra khá phổ biến. Theo thống kê, có 14 trường hợp lấn chiếm với tổng diện tích trên 300m2. Phương án của xã là xây dựng đến đâu xử lý vi phạm đến đó. Chính quyền họp công khai phổ biến rộng rãi, phân tích để nhân dân hiểu và đồng tình. Sau khi ao môi trường được hình thành, chính quyền địa phương đã bàn giao lại để nhân dân tự quản lý, cải tạo theo từng năm. Chính những yếu tố đó đã đẩy nhanh tiến độ hình thành mô hình ao môi trường trên địa bàn xã. Có hộ như gia đình ông Nguyễn Đăng Năng thôn Đoài đã ủng hộ 300 triệu đồng lắp hệ thống đèn và ghế đá tại các ao. Chia sẻ niềm vui khi có những ao môi trường đẹp, anh Nguyễn Đăng Quân, xóm chùa, xã Đan Phượng cho biết, xây dựng ao môi trường làm làng quê đẹp hơn, người già có chỗ mát mẻ để tập thể dục, trẻ em có chỗ vui chơi… nhân dân ai cũng mừng và ủng hộ. Ao mới đẹp quá nên ai có thói quen vứt rác như trước kia cũng ngại.

Mô hình ao môi trường và thu gom rác thải tại Đan Phượng đã được Ban chỉ đạo NTM Hà Nội tổng kết, có kế hoạch nhân rộng. Nút thắt khó gỡ khi thực hiện tiêu chí môi trường trong triển khai NTM ở Đan Phượng đang được giải quyết hiệu quả.

Dung - Huyền