Cần sự tham gia của người trong cuộc
Giáo dục - Ngày đăng : 07:00, 04/05/2011
Đánh giá bước đầu của cơ quan CA là khi có sự hợp tác của nhà trường, hiệu quả ngăn chặn và xử lý vi phạm của học sinh tốt hơn. Tuy nhiên, để xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong học sinh, cơ quan CA cho rằng cần thêm thời gian và sự hợp tác của cả gia đình và nhà trường...
CSGT lập biên bản xử phạt học sinh vi phạm luật giao thông Ảnh: Xuân Tùng
Được triển khai từ đầu năm học 2010-2011, kế hoạch liên ngành về tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các trường học và cơ sở giáo dục giữa CATP Hà Nội và Sở GD-ĐT đã bước đầu đạt hiệu quả. Chuẩn bị kết thúc năm học, công tác phối hợp tuyên truyền, xử lý tiếp tục được đẩy mạnh tại địa bàn liên quan đến 5 trường THPT làm điểm, gồm: Trần Phú, Việt Đức (quận Hoàn Kiếm); Phan Đình Phùng (quận Ba Đình); Kim Liên, Quang Trung (quận Đống Đa).
Để phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT của học sinh một cách chính xác, gần đây nhất, Phòng CSGT - CATP Hà Nội đã sử dụng camera ghi hình để thông báo cho nhà trường các trường hợp vi phạm. Trong tháng 3, trên địa bàn TP đã có hơn 1 nghìn trường hợp học sinh, sinh viên (HSSV) vi phạm TTATGT bị xử lý. Chỉ tính từ đầu tháng 4-2011 đến nay, Phòng CSGT đã phát hiện, xử lý khoảng 100 trường hợp học sinh phổ thông vi phạm TTATGT, gửi thông báo về Sở GD-ĐT. Từ thông báo của cơ quan CA, các trường học đã tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật học sinh bằng hình thức từ phê bình, khiển trách cho đến đình chỉ học tập có thời hạn.
Dù có nhiều hình thức phát hiện và xử lý, cơ quan CA thừa nhận ý thức chấp hành của học sinh chưa có chuyển biến rõ rệt; đồng thời xuất hiện nhiều hình thức đối phó: gửi xe bên ngoài trường; vòng tránh chạy khi thấy lực lượng làm nhiệm vụ; bỏ đồng phục ngay sau khi ra khỏi cổng trường... Thậm chí nhiều trường hợp, HS vi phạm khi bị phát hiện, xử lý có thái độ thách thức hoặc tỏ ra bất cần.
Trước thực trạng trên, cơ quan CA đã xác định quyết tâm xử lý các trường hợp học sinh vi phạm TTATGT thường xuyên, liên tục hơn. Tuy nhiên, hiện tại, với lực lượng còn khá mỏng, lại cùng một lúc, CSGT phải thực hiện 6 chuyên đề xử lý vi phạm nhằm thiết lập TTATGT (chưa kể hoạt động chỉ huy, duy trì TTATGT trong giờ cao điểm). Với khối lượng công việc lớn như thế, để duy trì liên tục, một cách có hiệu quả công tác xử lý vi phạm của học sinh quả là thách thức lớn... Trong khi đó, sự hợp tác của nhà trường và gia đình chưa liên tục. Điều này chính là nguyên nhân làm các em có thái độ đối phó với lực lượng làm nhiệm vụ. Trung tá Đinh Thanh Thảo, phụ trách công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT, Phòng CSGT-CATP cho biết, đối với lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn TTATGT, thêm một sự hợp tác, dù nhỏ, cũng là điều rất đáng quý, nhất là sự hợp tác đó đến từ phía những "người trong cuộc". Có sự hợp tác đầy đủ từ phía gia đình, nhà trường, việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về TTATGT nói riêng mới hiệu quả và có ý nghĩa lâu dài...