Bức xúc 10 năm chưa được giải tỏa
Đời sống - Ngày đăng : 06:47, 04/05/2011
Năm 2008, UBND huyện Phú Xuyên đã có chủ trương xây dựng khu giết mổ tập trung trên địa bàn 2 xã Tri Thủy và Quang Lãng để đưa toàn bộ các hộ giết mổ ra xa khu dân cư. Nhưng sau hơn 3 năm, việc triển khai dự án vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây vẫn ngày càng bức xúc.
Hơn 3 năm mới công bố quy hoạch
Chúng tôi đến xã Tri Thủy vào những ngày đầu hè, thời tiết chưa vào thời điểm nắng nóng cực điểm, nhưng tại trụ sở UBND xã (cách thôn Bái Đô và Hoàn Nguyên là một trong 2 thôn giết mổ trâu bò hơn 1 km) đã thấy mùi hôi thối bốc lên từ những rãnh thoát nước chứa phân tươi, nước thải từ các hộ giết mổ. Đến gia đình anh Phạm Văn Giang ở thôn Bái Đô vào giữa trưa, không phải là thời gian giết mổ cao điểm nhưng trong không gian chật hẹp chưa đầy 50m2, hàng chục con bò đã được tập kết trước sân nhà. Trao đổi với chúng tôi, anh Giang cho biết, lúc đầu cũng khó chịu nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải chịu đựng, lâu ngày thành quen. Có lẽ vì thế mà mỗi ngày, hàng tấn chất thải từ giết mổ trâu bò của hơn 30 hộ dân ở đây vẫn vô tư xả thải thẳng ra môi trường. Theo quan sát của PV Hànộimới, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng khang trang là các lò giết mổ tại gia, người dân tận dụng khoảng sân trước nhà làm nơi giết mổ và đổ thải phân, nước… thẳng ra hệ thống thoát nước chung của thôn. Mạnh ai nấy làm, các hộ không làm nghề giết mổ rất bức xúc vì ô nhiễm chỉ biết kêu cơ quan chức năng, xong đã đến 10 năm nay tình hình chưa có gì cải thiện.
Ông Nguyễn Phú Kỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Thủy cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường mỗi năm một nặng nề thêm, bình quân lượng giết mổ gia súc hằng năm tăng 20%. Trước thực trạng đó, năm 2008, xã đã đề nghị xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung diện tích 3ha, kinh phí hơn 30 tỷ đồng, bao gồm khu nhà xưởng, đường điện, hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn với dây chuyền giết mổ 30 con/giờ. Ban đầu, dự án được giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư nhưng do khó khăn về nguồn vốn, cơ chế, chính sách nên năm 2009, thành phố Hà Nội giao lại dự án cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) làm chủ đầu tư. Giai đoạn đầu người dân chưa đồng thuận cao, sau nhiều lần tuyên truyền vận động, đến nay các hộ dân đã nhận thức được vấn đề. Đến cuối tháng 4 vừa qua, dự án mới tổ chức công bố quy hoạch tỷ lệ 1/500, hiện nay, huyện đang chuẩn bị các bước kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng.
Nan giải vấn đề vay vốn
Ông Phan Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Hadico cho biết, hiện nay dự án đã trải qua được những bước khó khăn nhất, công bố quy hoạch tỷ lệ 1/500. Nhìn chung, người dân ở 2 xã Tri Thủy và Quang Lãng cơ bản đồng thuận với việc triển khai dự án nhưng để hoàn thành đúng tiến độ đề ra đòi hỏi các cấp chính quyền huyện Phú Xuyên phải triển khai quyết liệt. "Nếu chính quyền bàn giao mặt bằng sạch cho công ty, dự án sẽ khởi công xây dựng vào tháng 9 năm nay và hoàn thành dự án trong vòng 6 đến 8 tháng, người dân có thể thuê mặt bằng đi vào hoạt động vào quý II-2012" ông Nguyệt khẳng định. Hiện nay, vướng mắc lớn nhất của dự án chính là vay vốn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư của TP. Dự án có tổng kinh phí khoảng 115 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù 45 tỷ đồng, 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải đều từ nguồn vốn ngân sách. Còn lại 60 tỷ do chủ đầu tư bỏ ra, trong đó công ty được vay 42 tỷ. Tuy nhiên, các bước để thẩm định vay vốn của Quỹ hỗ trợ đầu tư rất rườm rà với nhiều thủ tục hành chính nên rất khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện dự án.