Chăm lo tốt đời sống đồng bào dân tộc

Chính trị - Ngày đăng : 07:14, 03/05/2011

(HNM) - Tròn 65 năm (3-5-1946 * 3-5-2011) Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số, nay là Ủy ban Dân tộc. Hai phần ba thế kỷ sát cánh cùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đội ngũ cán bộ quản lý về công tác dân tộc đã hoàn thành nhiệm vụ giúp Chính phủ


Làm tròn nhiệm vụ tham mưu


Khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Đình Trân


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương khẳng định, 65 năm qua, dù tên gọi có khác nhau (Nha Dân tộc, Phòng Quốc dân thiểu số, Ban Dân tộc TƯ, Ban Dân tộc và Miền núi... nay là Ủy ban Dân tộc) nhưng cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc luôn hoàn thành vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào DTTS. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ từ TƯ đến cơ sở đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả Nghị quyết TƯ 7 (Khóa IX) về công tác dân tộc; các chương trình của Nhà nước như Chương trình 135 về phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào DTTS… Tăng trưởng kinh tế tại các địa phương vùng dân tộc và miền núi luôn đạt 8-10%. Đến hết năm 2010, gần 94% xã cơ bản có đủ công trình hạ tầng thiết yếu; gần 68% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh; 373.400 hộ nghèo không còn phải sống trong căn nhà tạm bợ; hơn 83.000 hộ có đất để sản xuất...

Tại Thủ đô Hà Nội, đại gia đình các DTTS không ngừng lớn mạnh. Đến nay, toàn TP có 58 nghìn người thuộc 33 DTTS sinh sống tại 29 quận, huyện, tập trung chủ yếu tại 13 xã. Nhờ sự quan tâm của TƯ và TP, đời sống của người DTTS ngày càng được cải thiện. Đồng bào được sử dụng nước sạch, dùng điện sinh hoạt thường xuyên, 100% hộ nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí. Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Thị Ánh cho biết, các xã vùng đồng bào DTTS của TP Hà Nội mỗi năm giảm 1,5 - 2% hộ nghèo. 100% các xã đã có điểm bưu điện văn hóa. Tại khu vực này, TƯ và TP cũng đầu tư kinh phí xây dựng trên 60% số phòng học kiên cố; 12% trường và điểm trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh người DTTS thi đỗ tốt nghiệp các cấp đạt từ 80% trở lên, nhiều con em đồng bào có trình độ ĐH, CĐ, trở về địa phương xây dựng quê hương.

Giúp đồng bào rút ngắn khoảng cách

Mặc dù công tác dân tộc đã có nhiều thành tựu, nhưng theo ông Hoàng Xuân Lương, vùng DTTS và miền núi đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất gay gắt. Đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém; trình độ tổ chức sản xuất và kỹ năng lao động của đa số người dân còn lạc hậu, sản xuất chưa gắn với thị trường. Chiếm 14% dân số cả nước, bình quân thu nhập của người DTTS chỉ đạt 4,2 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn chiếm 28,8%. Bản sắc văn hóa của một số DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một, môi trường sống của vùng dân tộc và miền núi đã và đang bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng di cư tự do, du canh, du cư còn diễn biến phức tạp; hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Ngay tại TP Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao, công tác y tế, giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay.

Giúp đồng bào DTTS vượt qua khó khăn, thách thức, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với thành thị là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc. Ông Hoàng Xuân Lương khẳng định, tới đây Ủy ban Dân tộc sẽ tăng cường tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các ngành và mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Còn bà Nguyễn Thị Ánh cũng cho biết, Ban Dân tộc TP Hà Nội đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy chuẩn bị ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội các vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2011-2015, nhằm nâng cao cuộc sống của đồng bào và cũng là để hoàn thành sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô.

Bình Yên