Chính quyền bất lực?
Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 03/05/2011
Anh công an xã dẫn đường, nói: "Ô tô tải chở vật liệu xây dựng "băm" nát mặt đê. Mưa thì lầy, nắng thì bụi, qua đây chẳng khi nào được yên". Trong bãi, hàng chục máy xúc đang đưa cát lên ô tô, dưới sông là các sà lan chờ để nhả cát lên bãi... không khí tất bật như đại công trường xây dựng.
Đình chỉ gần 3 năm vẫn hoạt động
Tập kết, vận chuyển cát sỏi tại bãi Liên Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm.
Ngày 25-4-2011, UBND xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm) có báo cáo số 515/BC-UBND về vụ việc Chủ nhiệm HTX Liên Thắng (chuyên kinh doanh bốc xếp, trung chuyển vật liệu xây dựng trên hành lang đê sông Hồng thuộc bãi Liên Ngạc) cùng 9 doanh nghiệp liên doanh vi phạm pháp luật, gây mất ổn định an ninh chính trị tại xã Đông Ngạc. Báo cáo nêu rõ, HTX Liên Thắng được UBND TP Hà Nội cho phép cải tạo bãi sông từ K55+600 đến K56+000 đê Hữu Hồng thuộc xã Đông Ngạc làm nơi bốc xếp, trung chuyển vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm HTX Liên Thắng đã có hàng loạt sai phạm như ký hợp đồng trái pháp luật, lấn chiếm đất đai... Đáng lo ngại nhất là HTX vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Phòng chống lụt bão khi tự ý mở rộng bến bãi kinh doanh ra phía ngoài sông và dọc theo dòng chảy... nhiều năm liền không thực hiện nghiêm quy định phải dỡ bỏ toàn bộ mố trụ đặt máy cẩu, di chuyển vật liệu ra khỏi bãi để không gây cản trở dòng chảy trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Trước những vi phạm này, ngày 8-7-2008, UBND huyện Từ Liêm có quyết định, đình chỉ hoạt động bãi đối với HTX Liên Thắng. Nhưng gần 3 năm trôi qua, HTX Liên Thắng, vẫn hoạt động bình thường" - Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc Nguyễn Văn Chiến cho biết. Câu hỏi đặt ra lúc này là tại sao doanh nghiệp sai phạm kéo dài mà chưa được xử lý?
"Cát tặc" hoành hành, đê điều quá tải
Thời điểm này, dọc tuyến đê Hữu Hồng từ TX Sơn Tây qua huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Từ Liêm, quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên... có hàng chục bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng lợi dụng nước cạn, đẩy cao công suất chất cát và vận chuyển. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên 120km sông Hồng qua địa phận Hà Nội, có hàng trăm bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, chủ yếu là hoạt động không phép. Tại quận Hoàng Mai, có 17 đơn vị kinh doanh bến bãi thì chỉ có 6 đơn vị được TP cấp phép. Tại huyện Thường Tín, trong 18 bến bãi cũng chỉ có 4 đơn vị có phép hoạt động. Các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, quận Hai Bà Trưng cũng tương tự.
Theo tìm hiểu của PV Hànộimới, ngoài lượng cát được sà lan chở từ nhiều tỉnh thượng nguồn sông Hồng đổ về các điểm tập kết, thì ngay trên sông Hồng chảy qua Hà Nội cũng liên tục tái diễn tình trạng khai thác cát trái phép. Người dân sống ven sông ở khu vực chân cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì, các xã Hải Bối, Võng La (Đông Anh); Thống Nhất, Chương Dương (Thường Tín)... cho biết, tàu khai thác cát trái phép thường hoạt động về đêm hoặc sáng sớm, chủ yếu ở những bến sông vắng người qua lại. Một báo cáo mới đây từ cơ quan chuyên môn của Công an TP Hà Nội cho biết, chỉ tính từ đầu tháng 4 tới nay, đã có 23 trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Hồng và sông Đuống bị cảnh sát giao thông đường thủy xử lý. Địa điểm các tàu thuyền thường tập trung khai thác cát đen trái phép ở quanh khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long, huyện Đông Anh, Từ Liêm và quận Tây Hồ. Như vậy, bên cạnh ảnh hưởng hành lang thoát lũ, vi phạm dòng chảy còn kéo theo hệ lụy, nguồn tài nguyên bị rút ruột, hàng tỷ đồng đang từng ngày, từng giờ chảy vào túi cá nhân trái phép.
Nguyên nhân khiến nạn "cát tặc" có "đất sống" chính là công tác quản lý bến bãi, tài nguyên ở nhiều địa phương chưa được quan tâm. Theo quy định, UBND các cấp có trách nhiệm kiểm tra, đình chỉ và giải tỏa bến, bãi không đủ điều kiện hoạt động; thường xuyên rà soát và có biện pháp quản lý hữu hiệu nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, cả hai hoạt động này đều bị buông lỏng. Việc xử lý các vụ khai thác cát trái phép, bến bãi không phép mới dừng lại ở xử phạt hành chính và tịch thu phương tiện nên chưa có tác dụng răn đe. Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Việt cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật về đê điều, phòng, chống lụt bão còn hạn chế; việc triển khai kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt. Vì vậy, trước mắt cũng như lâu dài, các cơ quan hữu trách như Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT, Sở Giao thông Vận tải và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm, tận gốc vấn đề. UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm quy hoạch điểm khai thác, tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng, đưa hoạt động này đi vào trật tự, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng đang tăng hiện nay.