Hiệu quả từ đơn giản thủ tục hành chính
Chính trị - Ngày đăng : 06:56, 03/05/2011
Tuy nhiên, với sự đôn đốc kịp thời của Cục Kiểm soát TTHC cũng như quyết tâm cao của các đơn vị, sau 3 tháng triển khai, đã có nhiều TTHC được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Quyết tâm đơn giản hóa TTHC
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính tại phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Linh Tâm
Đến nay, các bộ, ngành đã ban hành 199 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đơn giản hóa 1.184/4.737 TTHC, đạt tỷ lệ 25%. Trong đó, Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT) dẫn đầu với việc đơn giản hóa 301/405 TTHC, đạt 74%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đơn giản hóa 235/395 TTHC, đạt 59%. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đơn giản hóa 64/120 thủ tục, đạt 53%.... Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành có nhiều TTHC và văn bản pháp luật phải đơn giản (660 TTHC, 144 văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung), nhất là TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán… Để thực hiện hiệu quả, Bộ đã ra kế hoạch và phân công các đơn vị trực thuộc thực hiện, đồng thời yêu cầu các đơn vị báo cáo tiến độ thực hiện hằng tháng nên đến nay đã thực thi được 300 TTHC và 26 văn bản pháp luật. Đáng chú ý, trong khi các bộ, ngành còn đang lúng túng trước hình thức "một văn bản sửa nhiều văn bản" (dự thảo một nghị định để sửa nhiều nghị định, một thông tư sửa nhiều thông tư) thì Bộ GTVT hầu như không áp dụng hình thức này mà vẫn bảo đảm tiến độ do lập kế hoạch thực hiện chi tiết về các văn bản cần chỉnh sửa tới từng cục, vụ. Nhiều văn bản được sửa đổi cùng lúc với hai mục đích: cải cách TTHC và thay đổi các chính sách không còn phù hợp. Theo nghị quyết Chính phủ giao, Bộ GTVT phải chủ trì sửa đổi, bổ sung 8 nghị định của Chính phủ và 60 thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT để đơn giản hóa 405 TTHC. Đến nay, đã có 301/405 TTHC được đơn giản hóa.
Trên thực tế, ở các lĩnh vực đều có nhiều thủ tục được đơn giản hóa, tạo bước đột phá trong việc đơn giản TTHC. Cụ thể, trong công tác quản lý, sử dụng hóa đơn đã có sự đổi mới vượt bậc khi từ ngày 1-1-2011, các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được tự in hóa đơn; rồi thời gian cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đã giảm từ 30 ngày xuống 20 ngày làm việc; hay chủ trương miễn phí xây dựng ở tất cả các địa phương trong cả nước (trước đây là mỗi địa phương áp dụng quy định thu phí và mức thu phí xây dựng khác nhau). Với thủ tục đổi giấy phép lái xe (GPLX), người dân có nhu cầu có thể đổi GPLX mới tại bất cứ địa phương nào trên toàn quốc (trước người ở địa phương nào, đăng ký lấy GPLX ở đâu phải đổi tại địa phương đó) và người mất GPLX xin cấp lại giấy phép mới không phải sát hạch lại lý thuyết, chỉ cần có hồ sơ gốc hoặc có tên trong sổ lưu là được cấp lại GPLX.
Tiếp tục gỡ "vướng"
Theo quy định, đến hết ngày 30-6-2011, các bộ, ngành phải hoàn tất công việc đơn giản hóa các TTHC đã được thông qua tại 25 nghị quyết của Chính phủ (được ban hành cuối năm 2010). Tuy nhiên, một số bộ, ngành cho rằng, thời gian như vậy là gấp gáp, khó đạt đúng tiến độ, nhất là khi có một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Thông tin từ Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã triển khai được 66 trong số 115 TTHC cần thực hiện phương án đơn giản hóa và đang gặp vướng mắc trong các nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông và Luật Bưu chính; quyết định của Thủ tướng về quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến hoặc các thông tư liên tịch đòi hỏi có sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan như các thủ tục liên quan đến cấp giấy phép ra phụ trương quảng cáo... Hiện Bộ đang chờ Chính phủ xem xét, phê duyệt những đề nghị đã trình. Bộ GTVT cũng đã đề nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì sửa đổi một số điều của Nghị định 136 về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và đề nghị bãi bỏ quyết định quy chế cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ thiết kế phương tiện vận tải.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan, đến nay, dù chưa bảo đảm tiến độ nhưng tỷ lệ đơn giản hóa đã đạt 25%, là con số ấn tượng, bởi thời gian thực hiện ngắn, khối lượng công việc nhiều. Vì vậy, nếu thời gian tới, các đơn vị có quyết tâm cao, phương pháp làm việc khoa học, cán bộ tâm huyết và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ thì chắc chắn các bộ sẽ hoàn thành tốt việc đơn giản gần 5.000 TTHC. Việc này mang lại hiệu quả thiết thực bởi theo tính toán của các chuyên gia, sau khi các phương án đơn giản hóa này được thực thi, dự kiến sẽ cắt giảm được khoảng 37,31% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và DN (tương đương gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm).