Thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh hoành hành

Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 02/05/2011

(HNM) - Bộ NN&PTNT cảnh báo, thời tiết bất lợi kéo dài, nguy cơ lụt bão khiến sản lượng lúa các tỉnh giảm mạnh, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra tại hội nghị trực tuyến vụ đông xuân, triển khai vụ hè thu, vụ mùa năm 2011 do Bộ NN&PTNT chủ trì với 16 tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung bộ (BTB).


Chủ động phòng chống dịch bệnh cho lúa. Ảnh: Huy Hùng

Vụ đông xuân 2010-2011 khu vực ĐBSH và BTB phải đối mặt với thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm rét hại kéo dài và hạn hán đầu vụ. Nguồn nước trên các sông và hồ chứa giảm nhanh, thấp hơn trung bình năm từ 6 đến 30%. Theo Bộ NN&PTNT, sau đợt rét đậm, rét hại vừa qua, tổng diện tích hai vùng gieo cấy chỉ còn 900 nghìn hécta, giảm 11 nghìn hécta so với vụ đông xuân trước. Lúa xuân gieo cấy muộn, gặp rét sẽ cho thu hoạch muộn khoảng 25 ngày, nơi cấy muộn gặp rét thời vụ kéo dài tới 30-35 ngày gây khó khăn cho vụ mùa tới. Nguy cơ lớn nhất khi lúa trỗ sẽ gặp nắng, nóng và khi thu hoạch có nguy cơ gặp mưa, gió bão đầu vụ. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng, cả hai vùng BTB và ĐBSH ước đạt 5,4 triệu tấn, thấp hơn vụ đông xuân trước khoảng 100 ngàn tấn.

Khó khăn càng nhiều khi giá các loại vật tư nông nghiệp đều tăng từ 10-15%, trong đó giá giống lúa lai nhập khẩu tăng cao hơn các năm khoảng 20-25%. Đặc biệt, dù nằm trong diện bình ổn giá song giá phân bón tăng "phi mã" khiến chi phí sản xuất cao. Đại diện tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho nông dân khi giá vật tư nông nghiệp tăng chóng mặt. Trong khi đó, tình hình dịch hại trên lúa diễn biến khá phức tạp, diện tích lúa bị bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, bệnh đạo ôn... ngày một tăng tại các tỉnh. Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tỉnh nên cấy các giống có ưu điểm kháng dịch hại. Đồng thời ứng dụng KHKT, đưa cơ giới vào sản xuất, giảm chi phí, sức lao động. Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết, vụ mùa, hè thu cục sẽ chỉ đạo đồng bộ các giải pháp áp dụng cho từng vùng để bố trí cơ cấu cây trồng, kịp thời vụ bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường công tác phòng trừ dịch hại, sử dụng hiệu quả đầu tư cho sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất lúa hè thu và vụ mùa trên cơ sở thâm canh tăng năng suất, góp phần bù đắp sản lượng lúa bị giảm trong vụ đông xuân. Phấn đấu gieo cấy khoảng 905 nghìn hécta, đạt sản lượng thóc khoảng 4,67 triệu tấn, tăng gần 30 ngàn tấn so với vụ hè thu, vụ mùa trước để bù đắp thiệt hại vụ đông xuân này.

Vụ xuân, Hà Nội gieo cấy trên 100 nghìn hécta lúa, năng suất 58,5tạ/ha, đồng thời mở rộng diện tích lúa gieo sạ với 7.655ha, tăng so với vụ xuân năm 2010. Diện tích thâm canh lúa cải tiến tiếp tục được mở rộng, tổng diện tích ứng dụng khoảng 40.000ha. Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo chăm sóc lúa, thường xuyên kiểm tra để phát hiện dịch hại để phòng trừ kịp thời. Hà Nội hạn chế tối đa sử dụng thuốc khi sâu bệnh ở mức độ thấp nên chi phí sản xuất giảm.Vụ mùa tới, cấy trên 100 nghìn hécta lúa, phấn đấu đạt sản lượng 551.047 tấn, Hà Nội đang tiến hành kiểm tra các công trình thủy lợi, thực hiện tốt phòng chống úng, hạn. Đồng thời sẽ tăng cường mở rộng diện tích gieo lúa thẳng hàng, cấy trà cực sớm và sớm là chủ yếu, phấn đấu cấy 70% diện tích trở lên để tăng hiệu quả phòng chống úng và mở rộng vụ đông.

Trước diễn biến thời tiết hiện nay, vụ đông xuân sẽ thu hoạch muộn hơn 20-30 ngày, do đó thời vụ hè thu và vụ mùa sẽ bị đẩy lùi, khoảng cách giữa hai vụ ngắn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng yêu cầu các tỉnh phải định hướng cơ cấu giống, cấy giống ngắn ngày (dưới 100 ngày) và chọn các giống lúa năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu tốt trong vụ hè thu, vụ mùa. Đối với các vùng BTB có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ tiểu mãn cần có kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng cạn có thời gian sinh trưởng ngắn. Đối với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, dễ gặp lũ tiểu mãn cuối và trung tuần tháng 9 cần bố trí thời vụ hợp lý. Các tỉnh ĐBSH, cần chuyển mạnh cấy trà mùa sớm, mở rộng diện tích gieo thẳng, sạ hàng, tăng diện tích lúa hàng hóa, lúa thơm, lúa nếp cho giá trị cao.

Khó khăn nhất đối với vụ mùa, vụ hè thu là tình trạng thiếu giống, nhất là giống chuyển vụ dễ dẫn đến việc phải cấy giống kém chất lượng. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng yêu cầu, Cục Trồng trọt, Trung tâm Giống cây trồng trung ương, địa phương và doanh nghiệp cần cung ứng giống lúa thuần, lúa lai ngắn ngày cho các tỉnh thiếu giống kịp thời sản xuất. Để giảm thiệt hại thấp nhất do thiên tai, các địa phương nên tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học trong canh tác lúa. Đồng thời có kế hoạch điều tiết nguồn nước, bảo đảm đủ nước gieo cấy. Vùng nào không đủ nước tưới nên mạnh dạn chuyển sang cây màu chịu hạn.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo và xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp toàn diện, củng cố sản xuất lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Đặc biệt là bảo đảm mục tiêu về bảo vệ quỹ đất lúa (giữ 3,8 triệu hécta đến năm 2020 trong đó có 3,2 triệu hécta đất lúa hai vụ); tiếp tục đầu tư hạ tầng và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng. Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành đề xuất các chính sách hỗ trợ mạnh hơn cho nông dân trồng lúa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đất lúa toàn quốc đến năm 2020 và Nghị định về quản lý đất lúa. Hai văn bản pháp quy quan trọng này sẽ được ban hành trong năm 2011.Vấn đề mấu chốt là các tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt sản xuất, giữ đất lúa ổn định, đẩy mạnh thâm canh để đạt năng suất cao, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Dung Huyền