Tiêu thụ nông sản khó khăn: Nông dân thua thiệt
Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 02/05/2011
Nông dân xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) đóng gói khoai sọ giao cho cơ sở chế biến thực phẩm. Ảnh: Khánh Nguyên
Hà Nội có nhiều thế mạnh trong sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm với khối lượng lớn, chất lượng cao như bưởi Diễn, cam Canh, rau an toàn, miến dong, mì gạo và một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Khối lượng nông sản, thực phẩm do nông dân sản xuất ra đều bán trên thị trường tự do, không qua hợp đồng với các nhà cung ứng chuyên nghiệp khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Tình trạng "được mùa, rớt giá" hay tư thương ép giá... thiệt hại lớn nhất vẫn là nông dân. Hội Nông dân Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn tới người tiêu dùng, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại khâu nối nông dân với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến nông sản để ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.
Ông Vũ Nguyên Lâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức cho biết, Hoài Đức có nhiều làng nghề chế biến nông sản, sản xuất bánh kẹo, mạch nha, dệt len... như Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai, La Phù và có diện tích trồng rau an toàn, cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ và một số loại cây ăn quả đặc sản. Sau Hội nghị xúc tiến thương mại được tổ chức tại Hoài Đức, nông dân và doanh nghiệp (Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) đều phấn khởi, kỳ vọng vào sự liên kết tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên đến nay, lượng nông sản của Hoài Đức "vào" được hệ thống siêu thị bán lẻ của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo Hội Nông dân Hoài Đức, đã gần 6 tháng kể từ khi hội nghị xúc tiến thương mại mới chỉ có 1.500 quả bưởi Diễn, 6 tạ cam Canh "vào" được siêu thị. Nhiều mặt hàng khác như rau an toàn, miến dong, mì gạo, đậu xanh tách vỏ, lạc, vừng, bánh kẹo và hàng thủ công mỹ nghệ vẫn chưa vào được siêu thị.
Theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, khó khăn nhất trong tiêu thụ nông sản hiện nay là các sản phẩm này chưa đáp ứng được yêu cầu của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội như chưa có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa thống nhất cách bảo quản nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân, đặc biệt quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Do không vào nổi siêu thị, nông sản chủ yếu phải bán cho thương lái nên nông dân thường bị ép giá, dẫn đến lợi nhuận thấp…
Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, giúp nông dân sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, Hội ND Hà Nội đề nghị TP tăng cường đầu tư cho nông nghiệp; khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm; cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... trên cơ sở đó có chiến lược đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.