Kiêu hãnh biên cương
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:37, 02/05/2011
Một ngày cuối đông, mảnh đất vùng cực Bắc của Tổ quốc - Đồng Văn (Hà Giang) đón một đợt rét đặc biệt; nhiệt độ dưới âm. "Gần hai chục năm, nay mới lại thấy tuyết nhiều đến thế" - Vàng Thị Chúa, người đàn bà dân tộc Mông quê xã Phố Cáo mà chúng tôi gặp ở phiên chợ Đồng Văn, đã nói như vậy khi thấy chúng tôi hăm hở ngược Lũng Cú trong ngày tuyết rơi ấy.
Cao nguyên đá Đồng Văn với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, ngày càng thu hút khách du lịch. Ảnh: Yến Ngọc |
Từ huyện lỵ Đồng Văn đến Sà Phìn - Ma Lé - Lũng Cú, tuyết trắng phau phau, tuyết hào phóng tắm cho những triền đá trùng trùng lớp lớp, khiến cao nguyên đá càng trở nên kỳ vĩ hơn. Tuyết phủ trắng những ô ruộng bậc thang; và nữa, trên đỉnh núi Rồng - nơi "vầng trán kiêu hãnh" của Tổ quốc, ngay dưới chân cột cờ thiêng liêng, tuyết tràn trề, tuyết đóng thành tảng nhẹ bẫng, ngập cổ chân. Khoảnh khắc hiếm hoi ấy (mà không nhiều người may mắn được chứng kiến) khiến mỗi chúng tôi đều chung cảm giác ngọt ngào...
Dưới cái rét âm độ, những vạt cải như mọc từ lòng đá bỗng rực rỡ một màu vàng lung linh đón những bông tuyết trắng nhẹ nhàng. Đó đây, trong mênh mang sơn cước còn lại những cánh hoa lê, hoa mận trắng nõn nà xen lẫn màu thắm hồng của vườn đào cuối xuân mà người Mông, Pu Péo trồng khắp các thung lũng. Dòng sông Nho Quế đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Cả thung lũng Thèn Ván thăm thẳm. Làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải và mặt hồ Lô Lô dưới chân núi Rồng giăng giăng tuyết và sương mù khiến cho mảnh đất "thượng cùng" của Tổ quốc quyến rũ hơn bao giờ hết.
Liệu có ai chưa biết, rằng bên trong sự lặng lẽ và kỳ vĩ ấy của dải đất biên cương là dấu ấn của những cuộc binh biến và mưu sinh được đánh đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt của người và của đá núi tưởng vô tri?…
* *
*
Là một trong ba xã biên giới huyện Đồng Văn, Lũng Cú được xem như "phên giậu" của Tổ quốc. Còn địa danh núi Rồng - Long Sơn chính là mảnh đất "thượng cùng" (chóp cao nhất trên bản đồ hình chữ S) thuộc thôn Thèn Tả của xã Lũng Cú, nơi người ta thường nói "ngẩng mặt đụng trời". Kể từ năm 1978 - khi tuyến đường Ðồng Văn - Lũng Cú khánh thành thì cũng từ đó, lá cờ đỏ sao vàng chính thức tung bay trên cột cờ ở đỉnh núi Rồng. Ðấy là niềm tin vĩnh hằng của người Lô Lô, người Mông, người Giáy và là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu…
Tên gọi Lũng Cú được giải thích theo nhiều nghĩa: Người cho Lũng Cú là cách đọc trệch từ Long Cư (nơi rồng ở hay động của rồng); là tên của một thủ lĩnh người dân tộc Lô Lô có công mở mang, gìn giữ và phát triển vùng biên ải này. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Lũng Cú là do đọc âm của chữ Long Cổ (Long - rồng, Cổ - trống): trống rồng. Thời Tây Sơn, sau khi đại thắng quân xâm lược, Hoàng đế Quang Trung đã lệnh đặt một chiếc trống to ở trạm gác vùng biên ải để cứ mỗi canh giờ, tiếng trống lại vang lên. Ðó không chỉ là hiệu lệnh, là phương tiện thông tin của quân đội Tây Sơn, mà còn như một sự khẳng định chủ quyền của đất nước: Lũng Cú - Long Cổ - trống của nhà vua. Phải thế chăng mà hàng bao nhiêu thế kỷ nay, Lũng Cú hiên ngang, kiên cường và trụ vững?...
Lịch sử của tỉnh Hà Giang còn ghi lại một sự kiện quan trọng, đó là vào năm 1887, triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) và thực dân Pháp dựng cột mốc 17 ở thôn Séo Lủng để phân định ranh giới Việt - Trung. Lịch sử cũng đã ghi nhận ở mảnh đất biên cương này, hành trình mưu sinh của đồng bào các dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Mông, Dao, Giáy trải qua không biết bao nhiêu binh biến và di dời. Sự nghiệt ngã của thiên nhiên, những hủ tục lạc hậu như thứ tròng ách thít lấy cổ, cột trói con người. Cả bệnh tật, đói ăn, khát nước, khát muối; cả những cuộc chạy loạn, chạy phỉ đã đẩy cuộc sống của đồng bào ở cao nguyên đá vốn gian nan lại càng cơ cực hơn.
Vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi, huyện Đồng Văn nói chung và xã Lũng Cú biên ải nói riêng chìm đắm trong tăm tối… Cho đến một ngày - niềm tin được thắp sáng trong lòng người biên cương chính từ sự kiện trọng đại cách nay tròn năm mươi năm: Vào tháng 3-1961, khi cuộc tiễu phỉ ở Đồng Văn vừa kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm và làm việc tại Hà Giang. Người ân cần thăm hỏi, động viên và tiếp sức cho đồng bào các dân tộc đoàn kết, vượt khó, ổn định cuộc sống. Sau đó là hành trình chống đói nghèo, lạc hậu của người dân qua từng năm, từng năm một trên cao nguyên đầy đá và gió này. Để ngày hôm nay đã thấy một Lũng Cú, một Đồng Văn đẹp tinh khôi và đầy sức sống …
* *
*
Trong câu chuyện kể về quê hương mình, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðồng Văn - Lý Trung Kiên (người dân tộc Mông) không giấu những trăn trở, rằng Ðồng Văn còn rất nghèo, điều kiện canh tác vô cùng khó khăn. Chỉ riêng hai xã Lũng Cú và Ma Lé rộng hơn 5.000ha nhưng có gần 75% diện tích là núi đá, khí hậu khắc nghiệt. Mùa mưa ròng rã kéo từ tháng 5 đến tháng 10 làm sạt lở đường giao thông, vùi lấp nhiều diện tích trồng trọt. Mùa đông đến rõ sớm mà đi thì muộn (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), nhiệt độ thường thấp, sương mù dày đặc, sương muối phủ dày rất khó khăn cho việc canh tác và chăn nuôi của người dân.
Lý Trung Kiên nhắc lại câu nói cửa miệng của người Mông quê chị mỗi lần có ai hỏi về Ðồng Văn, cái mảnh đất "nhìn thấy nhau trong tầm mắt, gặp được nhau phải mất nửa ngày" và "đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng" bởi địa hình chia cắt, toàn những đá với đá...
Nhưng, đã và đang có những dự án đầu tư phát triển kinh tế du lịch - làng nghề truyền thống - vùng dược liệu trên Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Ðồng Văn (gồm Quản Bạ, Ðồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh). Rồi đây sẽ có hàng nghìn héc ta diện tích được trồng cây dược liệu giá trị như đỗ trọng, tam thất, huyền sâm, xuyên khung; 500ha dọc các tuyến đường chính, các điểm du lịch, làng văn hóa và tất cả các thung lũng của Đồng Văn sẽ được quy hoạch trồng đào và mận vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo cho cảnh quan thiên nhiên hút khách du lịch đến với cao nguyên đá này.
Nghe giọng nói đầy phấn chấn và tự tin của Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn, chúng tôi hiểu rằng đồng bào quê hương chị đặt niềm tin và kỳ vọng vào đường hướng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó thế mạnh du lịch sẽ đem lại lợi ích lớn về kinh tế cho Ðồng Văn. Không kỳ vọng sao được khi mà Đồng Văn đang sở hữu những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc biệt: Di tích văn hóa - nghệ thuật Nhà Vương ở thung lũng Sà Phìn- một dinh thự có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, bề thế và uy nghi, tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa. Chợ tình Khau Vai cũng vừa đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Đặc sắc nữa là Quần thể kiến trúc phố và chợ Đồng Văn cổ kính, thâm trầm, lọt giữa bốn bề vách núi sừng sững... Tất cả rồi sẽ giúp Đồng Văn đẩy lùi nghèo đói, xây dựng nông thôn mới…
Ngày tuyết rơi trên cao nguyên đá cũng là ngày Đồng Văn hiểu rằng thiên nhiên sẽ còn thử thách nghị lực vượt khó và thử thách trái tim của con người; vì thế mà với họ, niềm tin luôn ở phía trước...
(Còn tiếp)