Thừa mô hình, thiếu cơ chế

Đời sống - Ngày đăng : 07:42, 01/05/2011

(HNM) - Tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông không chỉ do cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ mà phần nhiều do ý thức, hành vi tùy tiện, không tuân thủ luật của chủ thể tham gia giao thông, trong đó thanh niên chiếm đa số.

Hoạt động nhiều nhưng chưa thường xuyên
Trong những năm gần đây, TƯ Đoàn đã có nhiều chương trình, kế hoạch phối hợp với các ban, ngành chức năng tham gia tuyên truyền, vận động thanh niên chấp hành luật giao thông và tuyên truyền luật đến nhân dân. Sau khi tổ chức các diễn đàn, hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu xã hội và đông đảo đoàn viên thanh niên, năm 2010, Ban Bí thư TƯ Đoàn đã phát động và triển khai trong cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu nhi cả nước cuộc vận động "Thanh niên với văn hóa giao thông" nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thái độ và hành vi tham gia giao thông của giới trẻ.

Thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn giao thông. Ảnh: Thái Hiền


Cuộc vận động đã được triển khai trong toàn bộ hệ thống tổ chức đoàn, hội từ TƯ đến cơ sở. Theo báo cáo của TƯ Đoàn, từ năm 2010 đến nay, cả nước có hơn 9.000 đội, tổ, nhóm thanh niên tình nguyện bảo đảm trật tự ATGT; thành lập và duy trì 21.000 mô hình "Cổng trường an toàn"; xây dựng 65 mô hình "Bến đò an toàn"… Riêng Thành đoàn Hà Nội đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành thành lập gần 400 CLB, tổ, đội, nhóm tham gia bảo đảm trật tự ATGT, nổi bật là việc tổ chức đội hình thanh niên tình nguyện gồm 300 người tham gia hướng dẫn giao thông trong 10 ngày diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các cơ sở đoàn tổ chức 32 nghìn buổi tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; phát hơn 6.000 tờ rơi, tổ chức 336 buổi biểu diễn văn nghệ và chỉ đạo hàng nghìn chi đoàn sinh hoạt chủ đề về ATGT, văn minh đô thị...

Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực song các biện pháp, giải pháp của đoàn và các ngành chức năng nhằm bảo đảm trật tự ATGT vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Các đội thanh niên tình nguyện tham gia bảo đảm trật tự ATGT vẫn chưa xây dựng được quy chế hoạt động thường xuyên; chính sách hỗ trợ, khuyến khích đi kèm với hoạt động vẫn chưa bảo đảm. Đây chính là vấn đề khó đối với tổ chức đoàn, hội.

Cần cơ chế, chính sách cụ thể
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng khẳng định, thanh niên là nhân tố quyết định đến việc thay đổi hành vi ứng xử, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông. Tổ chức đoàn, hội cần tiếp tục phát huy những mô hình, tổ, đội, nhóm tham gia giữ gìn trật tự ATGT như những năm qua. Ông Lê Mạnh Hùng cũng cho rằng, ATGT, xây dựng văn hóa giao thông là vấn đề lâu dài, thường xuyên và nhiều khó khăn, vì thế tổ chức đoàn, hội cần tiếp tục xung kích đi đầu, phối hợp với các ngành cùng thực hiện; thường xuyên củng cố, thành lập mới các đội thanh niên tình nguyện, coi đó là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện luật, góp phần kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, để các đội thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn ATGT đáp ứng yêu cầu đặt ra thì phải có giải pháp phù hợp. Theo anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Ủy viên Ủy ban ATGT quốc gia, vấn đề khó khăn nhất đối với tổ chức đoàn, hội là xây dựng cơ chế chính sách cho các đội thanh niên tình nguyện xung kích trong lĩnh vực này. Hầu hết các CLB, đội, tổ, nhóm tình nguyện chỉ thể hiện rõ vai trò trong các đợt ra quân quy mô lớn và có đề ra mục tiêu rõ ràng, nên để duy trì thường xuyên và hiệu quả hơn thì phải vận động các nguồn lực hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên. Đây là bài toán chưa có lời giải. Anh Nguyễn Phước Lộc dẫn chứng, có địa phương, kinh phí cho cuộc vận động "Thanh niên với văn hóa giao thông" chỉ có 10 triệu đồng, chi phí cho lễ phát động cũng chưa đủ, nói gì đến cơ chế chính sách cho đội hình tình nguyện, hoặc làm các việc khác. Thực tế, Ủy ban ATGT quốc gia thì rất quan tâm, chăm lo, hỗ trợ, nhưng đến ban ATGT ở các tỉnh thì "tắc". Nhiều nơi, chủ tịch tỉnh, TP (đồng thời là chủ tịch ban ATGT) rất ủng hộ, nhưng thường trực ban ATGT lại chưa nhiệt tình, vì vậy hoạt động của những mô hình thanh niên tham gia bảo đảm ATGT vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.

Tới đây, TƯ Đoàn, TƯ Hội sẽ làm việc với Ủy ban ATGT quốc gia, các đơn vị có liên quan để tháo gỡ về cơ chế, chính sách. Ngoài tổ chức các hoạt động bề nổi như văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, tờ rơi… TƯ Đoàn sẽ đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, tăng cường tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động… nhằm từng bước thay đổi phương thức hoạt động cho thật hiệu quả, tránh tình trạng ra quân rầm rộ rồi để đó. Trước mắt, hưởng ứng chương trình "Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ" của Liên hợp quốc, cả nước đã có 24 Đoàn thanh niên các tỉnh, TP đăng ký tham gia, phát động chương trình đến thanh, thiếu nhi, trong đó chú trọng thành lập đội hình tình nguyện bảo đảm trật tự ATGT, tuyên truyền, phổ biến các quy định về trật tự ATGT, tập huấn nâng cao kỹ năng khi tham gia giao thông…

Việt Tuấn