Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

Chính trị - Ngày đăng : 06:16, 01/05/2011

(HNM) - Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã xác định giai cấp công nhân (GCCN) đóng vai trò nòng cốt trong các phong trào cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đường lối xây dựng GCCN được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng.

Đặc biệt, Nghị quyết 20/NQ-TƯ Hội nghị lần thứ 6 BCHTƯ Đảng (Khóa X) về "Tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước" đã khẳng định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, tạo động lực mạnh mẽ trong toàn xã hội về chăm lo xây dựng GCCN xứng tầm với sứ mệnh và trách nhiệm vẻ vang trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Xây dựng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu
Chỉ chiếm 21% tổng số lao động và 11% dân số cả nước, nhưng hiện nay GCCN Việt Nam đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước. Trong thành quả của GCCN có sự cố gắng, nỗ lực của tổ chức Công đoàn (CĐ) - người bạn đồng hành, luôn luôn chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động (CNLĐ). Ngay sau khi Nghị quyết 20/NQ-TƯ ra đời, các cấp CĐ nhanh chóng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động đưa nghị quyết vào cuộc sống với các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị, ngành. Trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của CNLĐ như việc làm, thu nhập, đời sống, điều kiện làm việc, nhà ở. Đặc biệt là việc nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, hiểu biết về chính sách, pháp luật cho công nhân.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày một lớn mạnh. Ảnh: Nguyệt Ánh


Bám sát sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian qua, tổ chức CĐ cả nước đã tích cực chăm lo xây dựng GCCN bằng nhiều hình thức như hướng dẫn, giúp CNLĐ ký thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); tham gia thanh tra, kiểm tra hoạt động của các DN; tham gia hội đồng hòa giải để giải quyết tranh chấp lao động; triển khai hiệu quả quỹ cho CNLĐ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, trợ cấp khó khăn, xây dựng nhà mái ấm CĐ...

Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Trần Văn Thực: Chủ động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động

Thời gian tới LĐLĐ TP sẽ tích cực tham mưu cho các cấp lãnh đạo cũng như chủ động thực hiện các giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ mọi mặt cho CNLĐ, đẩy mạnh các phong trào thi đua. Qua đó, giúp CNVCLĐ ngày càng nhận thức sâu hơn về bản lĩnh chính trị, ý thức tôn trọng, hiểu biết pháp luật cũng như nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và cải thiện môi trường hưởng thụ văn hóa. LĐLĐ TP phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản có từ 90% đến 95% công nhân đang làm việc tại các KCN tập trung trên địa bàn TP có điều kiện sống ổn định về chỗ ở, có trường học và nhà trẻ cho con em họ.

Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Trần Văn Thực cho biết, để đưa Nghị quyết 20 vào cuộc sống, LĐLĐ TP xác định xây dựng đội ngũ CNLĐ Thủ đô thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH phải gắn với chăm lo bảo vệ quyền lợi của CNLĐ bằng việc giám sát thực hiện chế độ, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. LĐLĐ TP phấn đấu đến năm 2015 có 100% doanh nghiệp (DN) xây dựng TƯLĐTT và giao kết hợp đồng lao động đúng luật; mỗi năm CĐ giới thiệu từ 7 nghìn đến 9 nghìn CNLĐ ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Đồng thời, chỉ đạo 69/69 LĐLĐ quận, huyện, ngành, thị xã, công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 20 và tổ chức cho 100% cán bộ CĐCS nghiên cứu, quán triệt nghị quyết này. Đồng thời, xây dựng nhiều đề án như: Chăm lo đời sống tinh thần CNLĐ tại các KCN, KCX tập trung; nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH; xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ có năng lực, trình độ nghiệp vụ CĐ ngày càng cao; xây dựng cơ sở đào tạo nghề và giới thiệu việc làm của tổ chức CĐ và thành lập Trung tâm Công tác xã hội, Quỹ Trợ vốn CNLĐ nghèo phát triển kinh tế gia đình.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội (ĐH) X CĐ Việt Nam "hướng mạnh về cơ sở, CĐ lấy CNLĐ làm đối tượng hoạt động", cuối tháng tư vừa qua, Tổng Liên đoàn phát động, chỉ đạo thực hiện "Tháng Công nhân" trên quy mô cả nước (từ ngày 1-5 đến hết tháng 5), nhằm tăng cường vai trò của các cấp CĐ trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi CNLĐ như tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với CNLĐ; hỗ trợ CNLĐ khó khăn; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong CNLĐ...

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho biết, trong Tháng Công nhân, các cấp CĐ TP tổ chức nhiều chương trình "Gặp gỡ và đối thoại" giữa CNLĐ với cấp ủy, chính quyền, chủ DN và chương trình "Giờ thứ 9" để chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ. Ngoài ra còn có chương trình "Đồng hành cùng DN" nhằm biểu dương những chủ DN và CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước phối hợp tốt trong việc chăm lo đời sống mọi mặt cho CNLĐ. LĐLĐ TP Đà Nẵng củng cố và thành lập mới các tổ tự quản công nhân khu nhà trọ và đẩy mạnh việc xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại các doanh nghiệp theo hướng có lợi hơn cho người lao động…

Công nhân Công ty TNHH Sông Công tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ảnh: Bá Hoạt

Giải pháp cho những vấn đề "nóng"
Phong trào công nhân, hoạt động CĐ cả nước tuy đạt được kết quả khả quan, song Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, trong những thành tựu phát triển đất nước có sự đóng góp quan trọng của GCCN, song lâu nay, việc thể chế hóa nghị quyết Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được thực hiện kịp thời, nên nhiều vấn đề bức xúc của GCCN chưa được giải quyết thỏa đáng; hàng vạn CNLĐ ở các KCN, KCX phải thuê nhà ở tạm, không bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu. Ở nhiều KCN, số lượng nữ CNLĐ không lập gia đình có xu hướng gia tăng, nhà trẻ, trường mầm non thiếu trầm trọng. Tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động, có nơi lương công nhân không đủ để tái tạo sức lao động. Do không có thời gian, điều kiện học tập, nên trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của một bộ phận công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Tỷ lệ đảng viên là CNLĐ mới được kết nạp nhiều năm qua chưa vượt được con số 10%. Chính sách đối với CNLĐ chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động diễn ra phổ biến (riêng nợ BHXH của các DN năm qua là trên 2.000 tỷ đồng).

Theo Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Trần Văn Thực, CNLĐ Thủ đô cũng đang phải đối mặt với những khó khăn chung, đó là thu nhập rất thấp, không có thời gian, điều kiện học tập hay tiếp cận với các thiết chế văn hóa, các KCN không có trường mầm non, trạm y tế…

Những khó khăn, bất cập trên được xác định là do nhận thức của các cấp ủy Đảng ở một số địa phương về vai trò của GCCN và CĐ chưa đầy đủ, nên chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với họ chưa được thực hiện nghiêm túc. Vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng địa phương chưa được phát huy và vị thế, trách nhiệm của tổ chức CĐ chưa được coi trọng. Sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ xây dựng GCCN, chăm lo đời sống của CNLĐ chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, do ý thức tổ chức kỷ luật của nhiều CNLĐ hạn chế, dẫn đến quan hệ lao động phức tạp.

Để xây dựng GCCN vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, làm cơ sở xã hội, chỗ dựa vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị một số giải pháp cụ thể. Đó là, xây dựng chiến lược về GCCN gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ CNH, HĐH; phát huy mạnh mẽ hiệu lực quản lý nhà nước trong xây dựng, thực hiện các chính sách đối với công nhân lao động; thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong nghị quyết của Đảng thành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của CNLĐ; đầu tư mạnh hơn cho đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, công nhân xuất thân từ nông dân và công nhân nữ; bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho CNLĐ, để họ luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, có tinh thần phấn đấu vươn lên trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2008 đến 2010, bình quân mỗi năm Hà Nội có 85% CNLĐ trẻ được học tập, bồi dưỡng chính trị, tay nghề, với tổng số khoảng 410 nghìn CNLĐ. Các cấp CĐ TP cũng giải ngân hơn 24 tỷ đồng cho CNLĐ vay phát triển kinh tế, tăng thu nhập và xây hơn 100 nhà mái ấm CĐ cho CNLĐ nghèo. Qua các phong trào thi đua sáng kiến sáng tạo, trở thành công nhân giỏi, thi thợ giỏi do CĐ TP triển khai, đã xuất hiện 27 nghìn công nhân đạt danh hiệu Công nhân giỏi và có hơn 42 nghìn sáng kiến, kinh nghiệm với giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng.

Linh Nhi