Ấm lòng người có công

Chính trị - Ngày đăng : 07:33, 30/04/2011

(HNM) - Sau các cuộc kháng chiến giành và giữ độc lập tự do của dân tộc, số lượng thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước không hề nhỏ.


Niềm vui trong ngày hội lớn


Mới 7 giờ sáng nhưng mọi ngả đường từ các thôn về Trung tâm y tế xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) đã nhộn nhịp, bởi hôm nay là ngày hội của hơn 250 gia đình chính sách trên địa bàn. Bước ra từ phòng khám nội và đang đọc lại hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng thuốc, bác Lê Minh Cương, thương binh hạng 3/2 phấn khởi: "Tuổi già lắm bệnh, các vết thương chiến tranh vẫn chưa thôi quấy quả, nhưng được các bác sĩ tận tình thăm khám, hướng dẫn điều trị, chúng tôi thấy lạc quan hơn để sống vui cùng con cháu". Bác Nguyễn Quang Thùy, thương binh 2/4 cũng chia sẻ: "Tôi bị vết thương sọ não, nhiều năm qua vẫn luôn lo lắng, nhưng nay được các bác sĩ tư vấn là y học sẽ có biện pháp để hạn chế tác hại đối với sức khỏe của mình, tôi yên tâm lắm". Niềm vui ấy cũng là tâm trạng của các gia đình chính sách ở xã Bình Minh trong dịp kỷ niệm 36 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Vui nhất trong những ngày này có lẽ là thương binh 3/4 Nguyễn Văn Hợp bởi ngôi nhà mới, rộng 65m2 của gia đình ông do Bệnh viện Quân y 103 xây tặng trị giá 60 triệu đồng vừa hoàn thiện. Trong ngày khánh thành nhà, Bệnh viện 103, các ban, ngành của huyện, của xã, bạn đồng ngũ, họ hàng đã tặng nhiều đồ dùng sinh hoạt càng làm cho ngôi nhà tình nghĩa của gia đình ông thêm ấm cúng. Ông Nguyễn Văn Hợp chia sẻ: "Lần đầu tiên có nhà mới nên gia đình phấn khởi lắm, nhiều đêm không ngủ được. Có cuộc sống mới như hôm nay, tôi luôn nhắc 2 con đang học ĐH phải phấn đấu học tập thật tốt để xứng đáng với sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với gia đình mình…".

Thêm nhiều phần việc có ý nghĩa


Trải qua các cuộc kháng chiến, Hà Nội có trên 4 triệu lượt người tham gia. TP hiện có 800.000 đối tượng chính sách, trong đó có 71.136 liệt sĩ, 30.245 thương binh, 13.017 bệnh binh. Với tấm lòng biết ơn những gia đình có công với cách mạng, trong nhiều năm qua, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" luôn được lãnh đạo TP quan tâm và ngày càng phát triển sâu rộng. Đại tá Đoàn Văn Miêng, Trưởng phòng Chính sách, Bộ Tư lệnh Thủ đô bày tỏ: "Là đơn vị trực tiếp làm công tác chính sách đối với người có công với cách mạng, ngoài việc bảo đảm đầy đủ các chế độ của nhà nước đối với đối tượng chính sách, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã duy trì đều đặn việc phối hợp với các bệnh viện quân đội đóng quân trên địa bàn trong việc thăm, khám bệnh cho các đối tượng chính sách. Trung bình mỗi năm, toàn TP có 30.000 đối tượng chính sách được khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí. Phong trào tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội được duy trì và phát huy với phương châm xã hội hóa đang góp phần đáng kể giúp các hộ chính sách có khó khăn về nhà ở cải thiện cuộc sống". Điển hình là việc thực hiện Quyết định 142 của Chính phủ về giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng nhập ngũ trước 30-4-1975 và tham gia quân đội dưới 20 năm công tác, Hà Nội đã thực hiện một cách bài bản. TP đã hoàn thành việc chi trả bước 1, bước 2 với 75.000 đối tượng, số tiền chi trả trên 315 tỷ đồng. Hiện bước 3 đang được triển khai với 30.000 hồ sơ và phấn đấu hoàn thành vào cuối quý II năm nay. Hay như việc giải quyết chế độ 290, trợ cấp cho dân quân, du kích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cách làm bài bản, chu đáo, TP đã có trên 10.000 cựu dân quân, du kích được hưởng chế độ...

Thực hiện phong trào xây nhà đồng đội do Bộ Quốc phòng phát động, năm 2010 Hà Nội được giao xây 6 nhà với mức tiền 50 triệu đồng/nhà nhưng được sự ủng hộ của cơ quan chức năng và bằng nhiều nguồn, TP và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã xây vượt chỉ tiêu 300% (25 nhà), mức tiền 60 triệu đồng/nhà. Năm 2011 này Bộ Quốc phòng giao cho Hà Nội xây thêm 4 nhà, Bộ Tư lệnh Thủ đô đang phấn đấu sẽ xây được 10-11 nhà. Ngoài chương trình xây nhà đồng đội do Bộ Quốc phòng phát động, Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng đang phấn đấu sẽ xây thêm 5-7 nhà tình nghĩa, góp phần giúp đỡ các gia đình chính sách vơi bớt khó khăn. Đó cũng là một việc làm thiết thực nhằm tri ân với những cống hiến, hy sinh của lớp người đi trước.

Nguyên Hoa