Bài 2: Mũi tên cắm giữa tim thù
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:26, 30/04/2011
Hang hùm ổ rắn
CBCS Đoàn B và các sĩ quan Mỹ trước cổng Trại Davis. Ảnh: Q.K
Trưa 29-1-1973, máy bay chở Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH - Đoàn A) do Thiếu tướng Lê Quang Hòa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn và các bộ phận tiền trạm hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên một lực lượng quân ta công khai đặt chân trên đất Sài Gòn trong tư thế khiến địch hoang mang, lúng túng. Đại diện chính quyền Sài Gòn yêu cầu Đoàn ta phải làm thủ tục xin "visa" nhập cảnh mới cho xuống máy bay. Ta không chịu, vì đi từ miền Bắc vào miền Nam là trong cùng một nước, Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) không thể yêu sách như vậy. Hơn một ngày ngồi trên máy bay, cuối cùng địch phải chịu thua, cho xe bus đưa Đoàn ta về Trại Davis.
Tại Trại Davis nằm sâu trong sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền Sài Gòn cho rào kín nhiều tầng dây thép gai, cô lập hai phái đoàn ta với bên ngoài. Xung quanh trại, đối phương dựng 13 tháp canh lúc nào cũng thấp thoáng bóng lính, suốt ngày đêm chĩa súng vào trại. Trong nhà ở của cán bộ chiến sĩ đoàn ta, địch cài máy nghe trộm. Dựa vào ưu thế kỹ thuật, địch phá sóng, gây nhiễu, đánh cắp bí mật thông tin của ta. Sĩ quan, nhân viên trong phái đoàn địch hầu hết là nhân viên tình báo, phản gián, tâm lý chiến, an ninh quân đội, CIA...
Sau ngày giải phóng Sài Gòn, qua lời khai của nhiều sĩ quan an ninh, tình báo ngụy và tài liệu thu được, ta biết rằng tất cả những hoạt động chống phá hai đoàn ta đều nằm trong một kế hoạch tình báo hỗn hợp do 5 cơ quan đầu sỏ của địch cùng thực hiện. Đó là Phủ đặc ủy Trung ương tình báo, Tổng nha Cảnh sát, Phòng 2 Bộ Tổng tham mưu, Cục An ninh quân đội ngụy và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Đối phương đã chuẩn bị kế hoạch này từ trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Trong kế hoạch có cả việc tổ chức đầu độc, mua chuộc, chiêu hồi, bắt cóc, thậm chí xóa sổ hoàn toàn cả hai phái đoàn ta trong trường hợp đặc biệt. Có thể nói "quan điểm" xuyên suốt của địch là lòng hận thù cách mạng. Đỉnh cao của lòng hận thù đó là chỉ thị ngày 28-4-1975 của Cao Văn Viên, Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn mà ta thu được tại Văn phòng Bộ Tổng tham mưu địch. Bản chỉ thị gồm 4 nội dung: Bắn pháo và cối vào Trại Davis; Cho xe tăng và bộ binh tràn ngập; Ném bom; Rải chất độc hóa học với điều kiện gió không thổi về phía thành phố. Chỉ thị của tướng Viên ghi rõ là nếu phát hiện có tiếng súng từ Trại Davis bắn ra thì thi hành ngay, không cần báo cáo xin chỉ thị.
Sáng ngời chính nghĩa
Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Quân ủy Miền (B2), theo Hiệp định Paris, ta thành lập hai đoàn đại biểu quân sự gồm các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ ưu tú của các lực lượng quân đội, công an, ngoại giao, an ninh Trung ương Cục miền Nam, thông tấn, báo chí và một số ban, ngành tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành Hiệp định Paris. Quân số mỗi đoàn có 825 người, gồm 275 sĩ quan, 550 nhân viên và cảnh vệ.
"Đối thủ" của ta là Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Hoa Kỳ do Thiếu tướng Gilbert Woodward làm trưởng đoàn; Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Trung tướng Ngô Du (sau này là Trung tướng Dư Quốc Đống) làm trưởng đoàn. Đến thời kỳ hai bên, Đoàn ta do Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn lãnh đạo, đoàn địch do Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp làm trưởng đoàn.
Nhắc lại những ngày đấu tranh trong sào huyệt địch, Đại tá Nguyễn Văn Khả (tức Vũ Nam Bình), nguyên Trưởng ban Bảo vệ an ninh đoàn B cho biết, nhiều nhà báo quốc tế, các sĩ quan Đoàn Hungary và Ba Lan trong Ủy ban quốc tế Kiểm soát và giám sát việc thi hành Hiệp định Paris ở Việt Nam (ICCS) đã phải thốt lên: Chỉ có mỗi đạo quân giải phóng này chịu đựng được như thế. Ông mỉm cười nói thêm: "Chúng tôi không chỉ vượt qua khó khăn mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Trong thư gửi đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Thứ nhất BCH TƯ Đảng Lê Duẩn đánh giá: "Đối với ta, điều quan trọng của Hiệp định Paris không phải ở chỗ thừa nhận hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, tiến tới thành lập chính phủ ba thành phần mà mấu chốt ở chỗ quân Mỹ phải ra, còn quân ta thì ở lại". (Thư vào Nam - NXB Sự thật - Hà Nội 1986, tr.372, 373).
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên đánh giá: "Nếu như Hội nghị Paris về Việt Nam là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài, đầy khó khăn và phức tạp thì cuộc đấu tranh buộc đối phương phải tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Paris là cuộc đấu trí, đấu lý hết sức cam go và quyết liệt".
Kiên quyết, tỉnh táo, khôn khéo và sáng tạo, mặc dù địch luôn tìm cách dây dưa, cố tình trì hoãn việc thi hành hiệp định, hai đoàn ta đã bằng mọi cách buộc Mỹ phải rút quân đúng, đủ số lượng cả về người và vũ khí, trang bị, đúng thời gian từng đợt theo quy định dưới sự giám sát chặt chẽ của ta và ICCS. Ngày 29-3-1973, đúng thời hạn 60 ngày, người lính Mỹ cuối cùng, kể cả nhân viên quân sự Hoa Kỳ trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 159 lính thủy đánh bộ canh gác Đại sứ quán của họ đã phải rút khỏi miền Nam sau 18 năm 8 tháng có mặt với vai trò đạo quân xâm lược. Cũng trong giai đoạn 60 ngày, hai đoàn ta đã đấu tranh quyết liệt, buộc địch phải thực hiện việc trao trả nhân viên quân sự và nhân viên dân sự của các bên bị bắt. Mặt trận này cũng rất quyết liệt, hai đoàn đã đấu tranh giành giật với địch từng người của ta. Trên lĩnh vực đấu tranh buộc địch chấm dứt chiến sự, buộc địch ngừng bắn, hai đoàn ta đã vạch trần kế hoạch phá hoại hiệp định đã được chuẩn bị trước của địch. Trong tổng số 390 cuộc điều tra, ICCS đã kết luận 5 vụ quân ngụy vi phạm hiệp định, không có bất cứ kết luận vi phạm nào đối với ta, kể cả những vụ địch làm rùm beng vu cáo ta. Cũng trong những ngày chiến đấu giữa lòng địch, hai phái đoàn ta đã tranh thủ được giới báo chí Sài Gòn và quốc tế, tạo dư luận hỗ trợ chiến trường.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: "Đây là một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị, quân sự lúc này đặt ngay trong lòng địch" (Tổng Hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng).
Sau này, nguyên Đại tá, Trưởng phòng Tình báo quân đội ngụy Nguyễn Văn Học khai: "Chúng tôi đã gặp một đối thủ quá cứng rắn. Tất cả những lần tiếp xúc thông thường thì không sao, nhưng khi đụng vào những nội dung cần thiết thì đều bị đánh bật ra, khiến những sĩ quan có hạng như chúng tôi cũng phải lắc đầu".
Từ tháng 10-1974, thực tế không còn hoạt động nào của Ban Liên hợp quân sự hai bên do tình hình phức tạp, địch ngày càng lộ mặt phá hoại hiệp định. Thế nhưng Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn hiên ngang trụ vững giữa sào huyệt kẻ thù. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những người chiến sĩ cách mạng kiên cường tại Trại Davis đã bám trụ, phối hợp với quân chủ lực tổ chức sẵn sàng chiến đấu. Trong những ngày hấp hối, chính quyền Sài Gòn đã nhiều lần cử người đến xin gặp phái đoàn ta, mong được liên hệ với Bộ chỉ huy để "bàn giao chính quyền". 9h30 ngày 30-4-1975, chiến sĩ Phạm Văn Lãi, 22 tuổi, đã được lệnh cắm cờ giải phóng trên đỉnh tháp nước Trại Davis. Đây là một trong những lá cờ giải phóng đầu tiên tung bay trên bầu trời Sài Gòn trong ngày toàn thắng.