Đừng quá sợ lạm phát!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 30/04/2011

(HNM) - Trong hai ngày 28 và 29-4, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và những tháng đầu năm 2011, bàn giải pháp chỉ đạo điều hành trong thời gian tới. Vấn đề chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng tới 3,32% đưa lạm phát của 4 tháng đầu năm lên mức xấp xỉ 10% đã được đặc biệt quan tâm.


Thực tế, lạm phát tăng cao trong những tháng đầu năm là điều đã được nhìn nhận và dự đoán, do tác động từ những điều chỉnh giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời là hệ quả từ quá trình phát triển kinh tế nóng trước đó. Dự báo, chỉ số lạm phát chưa thể giảm ngay trong 1, 2 tháng tới. Mục tiêu chặn đà tăng lạm phát cũng không thể có kết quả chỉ sau một vài tháng thực thi. Nhưng, câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là chỉ số lạm phát cao như vậy có đáng ngại, có vượt tầm kiểm soát không?

Phải khẳng định, lạm phát là kết quả tất yếu của kinh tế thị trường. Và kiềm chế lạm phát luôn là một quá trình, chứ không thể ngày một ngày hai, nói là làm được ngay. Hiện nay, 6 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ như thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, chính sách tài khóa thắt chặt; cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước… đang phát huy hiệu quả, được kỳ vọng là yếu tố tích cực để ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Dĩ nhiên, tình hình lạm phát vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố bất thường, còn nhiều thách thức phía trước đòi hỏi sự chỉ đạo, điều hành nhất quán, kiên trì và quyết liệt của Chính phủ. Trong tình hình hiện nay, khi Chính phủ đang dần chuyển việc quản lý, điều hành giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu: xăng dầu, điện, than… theo nguyên tắc thị trường, nhằm thực hiện mục tiêu đưa nền kinh tế vận hành đầy đủ theo quy luật thị trường đã khiến chỉ trong một thời gian ngắn, người dân đã phải chịu đựng sự gia tăng dồn dập giá cả của hàng loạt hàng hóa, dịch vụ gây hiệu ứng tâm lý lo ngại. Thông thường, người dân (người tiêu dùng) dễ chú ý đến mặt bằng giá cả các hàng hóa, dịch vụ tác động trực tiếp, thường xuyên đến mình, ví dụ như lương thực, thực phẩm, xăng, điện… nên tâm lý lo lắng mỗi lần điều chỉnh giá là đương nhiên, nhất là khi họ chưa có đủ thông tin, chưa hiểu đúng tình hình kinh tế vĩ mô. Vì vậy, lúc này việc thực hiện chính sách rõ ràng, nhất quán nhằm đưa tín hiệu đồng nhất từ điều hành chính sách ra thị trường là vấn đề quan trọng.

Trong bối cảnh thu nhập của người dân nhìn chung chưa thay đổi nhiều, thậm chí giảm về giá trị, thì việc chỉ số lạm phát liên tục nhích lên, cộng với sức ép giá cả tăng ở hàng loạt mặt hàng dễ khiến đẩy thành tâm lý căng thẳng, lo lắng. Nhưng thực tế không phải chúng ta chưa từng trải qua hiện tượng này, năm 1989 đã chứng kiến lạm phát 3 con số, gần hơn là vào năm 2008 cũng cao gần gấp đôi hiện nay (gần 20%). Điều này ít nhiều sẽ mang lại kinh nghiệm trong công tác điều hành. Và rõ ràng năm nay không phải là lúc khó khăn nhất mà ta từng gặp. Lạm phát tới 2 con số là mức cao, nhưng không phải là vượt tầm kiểm soát. Chính vì thế, nếu chỉ đem các con số so sánh với nhau sẽ rất dễ làm rối tình hình, dẫn đến những điều chỉnh không phù hợp làm chệch mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Từ lạm phát đến mục tiêu kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, có thể nhìn nhận là bước khởi đầu cho một quá trình dài hạn nhằm tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Thêm một chút lạm phát cũng không nên quá lo ngại. Quan trọng là cần hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến động với những bất thường của nền kinh tế.

Nữ Quỳnh