Kinh nghiệm từ Yên Sở
Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 29/04/2011
Xây dựng NTM không phải là việc mới
Quán Giá, làng Yên Sở, nơi hằng năm diễn ra hội Giá đông vui nhất vùng đê ven Đáy, huyện Hoài Đức.
Xây dựng NTM ở Yên Sở không phải là việc làm mới mà thực chất đã được thực hiện liên tục, bền bỉ từ nhiều năm nay. "Từ lúc kinh tế còn khó khăn, địa phương đã nghĩ đến việc mở đường, làm đường bê tông; từ khi xóa bỏ bao cấp, địa phương đã biết giữ lại sân kho, nhà HTX để nay làm nhà văn hóa, khu vui chơi. Những việc mà Yên Sở đã làm như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân thì về bản chất đã là xây dựng NTM. Nay tiếp tục hoàn thiện để đạt chuẩn theo các tiêu chí". Đó là đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ chương trình xây dựng NTM TP Nguyễn Công Soái khi kiểm tra xã điểm xây dựng NTM Yên Sở.
Yên Sở được đánh giá là xã "giàu" cả về kinh tế và văn hóa - xã hội. Trong khi ở các xã khác, nông nghiệp chiếm từ 50-70% cơ cấu kinh tế thì nông nghiệp Yên Sở chỉ chiếm 20%, công nghiệp - TTCN là 48%, còn lại hơn 31% là thương mại dịch vụ, tổng giá trị sản xuất năm 2010 của xã đạt trên 200 tỷ đồng. Yên Sở hiện có hơn 300 người là giáo viên, hàng trăm cán bộ về hưu, gần 300 xưởng mộc và khoảng 1.000 thợ xây dựng, 30 hộ làm bánh gai chuyên nghiệp... Thu nhập bình quân đầu người của xã ở mức cao, 20,5 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có hơn 10.000 dân/2.500 hộ với đặc thù "nhất làng, nhất xã" (một xã cũng là một làng), nên người dân đoàn kết, các quyết sách, chương trình triển khai thường nhận được sự đồng thuận. Mặc dù là xã ven đô nhưng Yên Sở vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều từ quá trình đô thị hóa. Ông Nguyễn Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã cho biết, nếu như trước khi xây dựng đề án NTM, Yên Sở có 7 tiêu chí đạt chuẩn thì chỉ sau 5 tháng triển khai, số tiêu chí đạt chuẩn đã là 10. Trong năm 2011, Yên Sở sẽ thực hiện 52 dự án với tổng kinh phí 93 tỷ đồng nhằm hoàn thiện quy hoạch, kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, văn hóa và môi trường… phấn đấu hết năm có được 13/19 tiêu chí đạt chuẩn.
Phát huy dân chủ
Mặc dù thời gian triển khai xây dựng NTM ở Yên Sở chưa dài, song xã đã đúc kết được một số kinh nghiệm. Ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch UBND, Trưởng BQL xây dựng NTM xã Yên Sở cho rằng: Chủ thể xây dựng NTM là người dân, đề án NTM phục vụ dân, do đó người dân phải được tham gia bàn bạc thực hiện đề án. Ngay sau khi huyện Hoài Đức chọn Yên Sở làm điểm NTM, Đảng ủy xã đã quán triệt trong cán bộ, đảng viên và họp dân để lấy ý kiến, tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc xây dựng NTM nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân. Nhiều người tham gia góp tiền, hiến đất mà điển hình là 30 hộ dân xóm Nấm đã đóng 3 triệu đồng/hộ gửi vào Quỹ tín dụng nhân dân xã để làm vốn đầu tư xây dựng đoạn đường 300m của xóm. Hiện trục đường chính liên thôn của xã rộng 10m đã được bê tông hóa, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Ngoài ra, nhân dân còn tham gia đóng góp hàng chục triệu đồng để trang bị tăng âm, loa đài, phông rèm… cho 9 nhà văn hóa thôn. Cụ Nguyễn Công Tản, 81 tuổi vui vẻ nói: "Trước năm 1986, Yên Sở đã làm đường giao thông, đã mở rộng và "nắn" thẳng nhiều đoạn. Nay xây dựng NTM, chúng tôi sẵn sàng tham gia đóng góp để chỉnh trang, nâng cấp thêm các công trình với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Xây dựng NTM ở Yên Sở đã thu hút sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị. Với 52 đầu việc được triển khai trong năm 2011, BCĐ, BQL NTM của xã đã phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên và các ban, ngành, đoàn thể xã, thôn như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Để quản lý chất lượng các công trình xây dựng cơ bản, xã đã thành lập các ban giám sát cộng đồng gồm thanh tra nhân dân, đại diện thôn, xóm nên các công trình xây dựng cơ bản đều đạt chất lượng. Ông Nguyễn Bá Khánh, Chủ tịch HĐND xã Yên Sở cho biết, xã đã có quy hoạch chung về phát triển cơ sở hạ tầng, nên các công trình đến nay vẫn rất phù hợp, chỉ cần chỉnh sửa, bổ sung thêm là đạt chuẩn. Ngoài ra, cũng do quản lý chặt chẽ quỹ đất nên Yên Sở giữ được nhiều ao, hồ, sân kho… Với quỹ đất này, BCĐ xây dựng NTM địa phương sẽ sắp xếp, quy hoạch khu liên hiệp thể thao, xây dựng nhà văn hóa, mở rộng các trường học mà không cần giải phóng mặt bằng tốn thời gian và kinh phí. Với những kết quả đạt được trong xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã có đổi thay. Hầu hết đám cưới ở xã đều được tổ chức tại các nhà văn hóa thôn trang trọng, tiết kiệm; đối với đám tang các cụ trên 80 tuổi, MTTQ xã đứng ra làm tang lễ. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn được chú ý giữ gìn và đi vào nền nếp…
Một mô hình NTM đang dần rõ nét ở Yên Sở và hơn nữa, kinh nghiệm xây dựng NTM ở xã này có thể có ích cho nhiều xã khác.