Sứ mệnh đầy thách thức
Thế giới - Ngày đăng : 06:22, 28/04/2011
Dù kết quả chuyến thăm mang nhiều tính biểu tượng kéo dài 3 ngày này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng sự trở lại Bình Nhưỡng lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm qua của một cựu Tổng thống Mỹ vẫn được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cùng các thành viên trong đoàn họp báo tại Trung Quốc một ngày trước khi thăm Triều Tiên. |
Khác chuyến thăm đầu tiên vào tháng 8-2010 để giải cứu một công dân Mỹ bị bắt với cáo buộc xâm nhập biên giới bất hợp pháp, sự trở lại Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống J. Carter cùng cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, cựu Thủ tướng Na Uy Harlem Brundtland và cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson mang theo sứ mệnh đầy thách thức. Đó là làm thế nào để sớm tái khởi động tiến trình đàm phán 6 bên cũng như tìm lời giải cho bài toán thiếu hụt lương thực ở Triều Tiên.
Là một chính khách Mỹ được cho là am tường về Triều Tiên khi từng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung năm 1994 để làm trung gian cho một thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, sự trở lại Bình Nhưỡng của ông J. Carter là một sáng kiến mới đáng quan tâm. Trong lúc cộng đồng quốc tế không ngừng nỗ lực các hoạt động ngoại giao để góp phần giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, chuyến trở lại Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cùng ba nhà cựu lãnh đạo châu Âu càng mang nhiều ý nghĩa.
Không phải ngẫu nhiên vấn đề thiếu hụt lương thực tại Triều Tiên lại trở thành chủ đề nóng được nhóm "Những người cao tuổi" quan tâm. Báo cáo mới đây của Chương trình lương thực LHQ (WFP) cho thấy, khoảng 1/4 trong tổng số 24 triệu dân Triều Tiên đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và rất cần sự viện trợ của cộng đồng quốc tế. Cùng với sự leo thang của giá lương thực thế giới, những tác động do thời tiết khắc nghiệt thời gian qua càng làm cho bài toán thiếu hụt lương thực của Triều Tiên khó giải hơn khi viện trợ của cộng đồng quốc tế, dưới vai trò chỉ huy của Mỹ, tiếp tục bị đóng băng. Chưa dừng lại ở đó, sắc lệnh tăng cường cấm vận thương mại với Bình Nhưỡng được Tổng thống Barack Obama vừa ban hành có hiệu lực từ ngày 19-4 vừa qua, cấm nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào từ Triều Tiên vào thị trường Mỹ - để trừng phạt nước này thử tên lửa và hạt nhân năm 2006 và 2009 - có thể đẩy nền kinh tế Triều Tiên đứng trước thách thức lớn hơn.
Dường như chưa bao giờ nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm đẩy nhanh việc tái khởi động vòng đàm phán 6 bên lại được các bên liên quan sốt sắng như hiện nay. Ngay sau chuyến công du Đông Bắc Á của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuần trước, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Trung Quốc Vũ Đại Vĩ tiếp tục công du Hàn Quốc 4 ngày (từ ngày 26-4) với sứ mệnh thúc đẩy tiến trình đàm phán 6 bên. Chuyến thăm Seoul của nhà đàm phán Vũ Đại Vĩ được tiến hành chỉ hai tuần sau khi đề xuất giải pháp 3 bước giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên được Trung Quốc đưa ra như một tham khảo cho các bên liên quan. Với kịch bản này, trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ hội đàm song phương để tìm giải pháp giải tỏa căng thẳng leo thang trong quan hệ liên Triều. Sau đó Mỹ và Triều Tiên tổ chức các cuộc đối thoại song phương trước khi các bên trở lại bàn đàm phán 6 bên.
Song, các nỗ lực ngoại giao sẽ chỉ là "muối bỏ bể" nếu những trắc trở về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chưa được giải tỏa. Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện của khoảng 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc cùng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn liên tiếp diễn ra thì khả năng Bình Nhưỡng từ bỏ "con át chủ bài" vũ khí hạt nhân trong tay xem ra thật khó. Một vụ thử hạt nhân thứ 3 sẽ tiếp tục được Triều Tiên thực hiện vừa được Mỹ và Hàn Quốc cảnh báo nếu những cố gắng đối thoại thất bại.
Giữa lúc những nỗ lực ngoại giao được các bên thực hiện, quân đội Hàn Quốc lại triển khai thêm một số giàn tên lửa tại hai đảo Baengnyeong và Yeonpyeong - mỗi giàn gồm 36 tên lửa có tầm bắn 23-36km - nhằm nâng cao khả năng tấn công trả đũa trong tình huống khẩn cấp. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kim Yong-chun không ngần ngại cảnh báo về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra nếu căng thẳng giữa hai bên không được tháo gỡ. Như vậy, xem ra tiến trình phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên đang không chỉ là một thách thức thật sự trước sứ mệnh của nhóm các nguyên thủ Âu, Mỹ hiện có mặt tại Bình Nhưỡng mà còn với cả cộng đồng quốc tế.