Tăng viện phí hay tiết kiệm chi phí?
Xã hội - Ngày đăng : 07:40, 27/04/2011
Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đến lúc nào sẽ tăng. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng, dịch vụ đồng loạt tăng ảnh hưởng tới giá vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm... khiến không chỉ người dân thấp thỏm, lo lắng mà các bệnh viện (BV) cũng phải đưa ra nhiều phương án để chống đỡ với giá cả leo thang.
Không muốn cũng phải tăng
Điều trị xạ phẫu u não tại Bệnh viện TƯ Quân đội 108. Ảnh: Như Ý
Ngày 26-4, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số BV như Bạch Mai, Việt - Đức, K, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Phụ sản TƯ, Tràng An đều cho biết, giá các vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm, thuốc, phim dùng cho chụp chiếu cận lâm sàng… đều tăng từ 10% đến 20%. Do đó, tại một số BV, giá khám bệnh, xét nghiệm, dịch vụ cũng bắt đầu tăng. Đơn cử, tại BV Tràng An, giá khám bệnh chung, chụp X quang tăng ở mức 10-15% (riêng giá khám cho đối tượng đi lao động xuất khẩu và giá các loại xét nghiệm không tăng). Giữa tháng 4, tại hội nghị tổng kết công tác khám, chữa bệnh của ngành y tế Hà Nội, đại diện cơ quan BHXH và một số BV cũng đề nghị bổ sung và sửa đổi giá gần 200 dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được Quỹ BHYT thanh toán, trong đó có các thủ thuật, phẫu thuật như lọc máu liên tục, sinh thiết cơ tim, đặt stent thực quản qua nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, thay van tim, thay khớp gối, ghép thận, ghép gan…
Giải thích về việc tăng giá, bà Lương Ngọc Trâm, Phó Giám đốc điều hành BV Tràng An phân tích, trong bối cảnh giá các vật tư, chi phí phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh tăng, BV không thể không điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế. Thêm nữa, kỹ thuật và công nghệ y tế ngày càng phát triển, các yêu cầu về vô trùng, bảo đảm chất lượng dịch vụ ngày càng cao, phương thức sử dụng nhiều loại vật tư, hóa chất thay đổi hoàn toàn, khiến chi phí tăng thêm nhiều. Còn theo một cán bộ của Khoa Điều trị theo yêu cầu (BV Bạch Mai), người bệnh sử dụng dịch vụ nào thì trả tiền dịch vụ đó, bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường điều trị nội trú, hàng trăm loại dịch vụ chiếu, chụp, xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, hàng ngàn loại phẫu thuật, thủ thuật khác nhau. Trong khi đó, hầu hết các BV đã được giao tự chủ tài chính, nên kinh phí để bảo đảm các hoạt động thường xuyên cũng như chăm sóc, điều trị người bệnh, như thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, điện, nước, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải… phải được bù đắp từ nguồn viện phí. Nhìn vào phép tính của Bộ Y tế sẽ thấy rất rõ thực tế này: một BV tuyến huyện quy mô 100 giường bệnh, với giá khám bệnh hiện là 1.000-2.000 đồng/lần khám, trong một ngày có khoảng 150 người bệnh đến khám thì thu được 300.000 đồng; tiền giường bệnh tối đa 9.000 đồng/ngày, nếu có 100 bệnh nhân thì thu tối đa 900.000 đồng. Như vậy, tổng cộng BV chỉ thu được 1.200.000 đồng/ngày, trong khi riêng tiền điện, nước, xử lý chất thải để vận hành BV đã hết từ 3 đến 5 triệu đồng/ngày.
Theo quan điểm của Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang Nguyễn Thái Sơn thì lâu nay nhiều người nghĩ rằng tăng viện phí là "hành dân", song thực tế thì tăng viện phí là để bảo đảm quyền lợi của dân. Bởi giá dịch vụ y tế cũng phải nương theo giá thị trường, nếu đi ngược quy luật bằng cách gò ép, bằng chính sách nhân đạo để giữ giá viện phí ở mức thấp thì chất lượng khám, chữa bệnh, dịch vụ y tế không thể nâng cao, trong khi người dân vẫn phải đóng viện phí đều đặn hằng năm thông qua phí tham gia BHYT.
Siết chặt việc kê đơn, xét nghiệm
Giải bài toán chống đỡ với "bão giá" mà không gây ảnh hưởng nhiều đến người bệnh, nhiều BV đang tính đến biện pháp tiết kiệm để giảm chi phí đầu vào. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết: BV đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ các chỉ định xét nghiệm, kê đơn thuốc, hạn chế tình trạng kê các loại thuốc hỗ trợ, các chỉ định xét nghiệm tràn lan, không cần thiết để giảm chi phí cho người bệnh.
Đây là giải pháp rất đúng, không phải đến bây giờ mới được nhắc đến. Bởi tình trạng lạm dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc vô tội vạ với những loại thuốc giá "cắt cổ" để bác sỹ lấy "hoa hồng" đã tồn tại từ lâu, vấn đề ở chỗ, các BV có kiểm soát được hay không. Trên thực tế, có những loại thuốc, đơn cử như thuốc giảm đau, hạ sốt có cùng hoạt chất, công dụng không thua kém gì nhau nhưng thuốc Efferalgan của Pháp đắt hơn gấp 2 đến 4 lần thuốc Paracetamol của Việt Nam. Nếu bác sỹ kê đơn thuốc của Việt Nam thì sẽ giảm gánh nặng chi phí rất nhiều cho bệnh nhân. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào người thầy thuốc bởi khi mắc bệnh, người bệnh chỉ biết mua thuốc và sử dụng theo đơn của bác sỹ. Bên cạnh đó, hiện tượng BV này không sử dụng kết quả của BV kia, tuyến trên không chấp nhận kết quả của tuyến dưới do chưa có một quy trình xét nghiệm chuẩn, thống nhất vẫn tồn tại bấy lâu. Mỗi khi chuyển viện, chuyển tuyến khám, chữa bệnh, bệnh nhân phải làm lại toàn bộ quy trình chiếu chụp, xét nghiệm rất tốn kém. Theo thống kê của ngành y tế, trong năm 2010, giá xét nghiệm ở BV tăng từ 7-12%, chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT - Scan tăng 6-9,9% đã cho thấy rõ sự lãng phí này. Giải thích tình trạng này, một vài bác sỹ tuyến trên cho rằng, trình độ của cán bộ y tế tuyến dưới còn hạn chế, trang thiết bị không mới thì không thể tin vào kết quả đó được. Nếu tận dụng kết quả xét nghiệm rồi chẩn đoán sai thì BV nào chịu trách nhiệm. Nhưng cũng có cách giải thích khác, rằng nhiều loại thiết bị mà BV có được là nhờ "xã hội hóa", nên càng được "chăm" sử dụng bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu. Không rõ, trong "hoàn cảnh" này thì các BV có thể siết chặt việc kê đơn, xét nghiệm được không?