Ước mơ thành hiện thực

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:51, 27/04/2011

(HNM) - Cô bé Vũ Thị Nghĩa, học sinh lớp 5A3 Trường Tiểu học Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên một tay vân vê vạt áo, một tay ngượng ngùng đặt lên bàn phím máy vi tính.

Dán mắt vào màn hình, cô bé hồi hộp, nói giọng xúc động: "Đây là lần đầu tiên con nhìn thấy máy vi tính. Các bạn vui lắm ạ. Chúng con cảm ơn các cô, các bác nhà báo đã giúp chúng con. Bác ơi, con cứ như trong mơ ấy”. Nghe đến đây, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Kiều Ngọc Kim quay sang tôi nói nhỏ: "Nghĩ mà thương tụi nhỏ, điều kiện học tập vẫn thiếu thốn trăm bề. Giá có thêm những nhà hảo tâm, cuộc sống, sinh hoạt của các cháu sẽ bớt phần khó khăn...".

Đại diện lãnh đạo Báo Hànộimới, Hội Nhà báo Thái Nguyên và học sinh Trường Tiểu học Điềm Mặc tại phòng máy tính. Ảnh: Nguyệt Ánh

Tuy là ngày nghỉ nhưng hơn trăm em học sinh của Trường Tiểu học Điềm Mặc vẫn đến trường từ rất sớm. Dường như biết có khách từ Hà Nội lên thăm, em nào em nấy mũ áo tươm tất, hồi hộp, mong ngóng, dõi từ xa mỗi khi có ô tô chạy qua. Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Tổng phụ trách nói với tôi: Không chỉ giáo viên, học sinh trong trường phấn khởi mà cả xã vui anh ạ. Từ hôm Báo Hànộimới triển khai lắp đặt phòng máy vi tính tặng cho các cháu học sinh, ngày nào bà con cũng đến xem. Họ không ngờ, con em mình nay lại được sử dụng cả "cái tivi có bàn phím để gõ chữ"...

Đoàn công tác Báo Hànộimới vừa tới nơi, cả trường ùa ra đón, niềm vui như muốn vỡ òa. Tuy lần đầu gặp mặt nhưng ai cũng có cảm giác ấm cúng và thân thiện. Chúng tôi dắt tay các em học sinh đi vào phòng máy vi tính vừa hoàn thiện. Ông Nông Đình Thân, Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc xúc động vừa khái quát tình hình ở địa phương, vừa bày tỏ sự biết ơn trân trọng đối với tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới: Điềm Mặc là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa, có 4.280 nhân khẩu với 8 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 65% là người Tày. Là xã thuần nông, tất tật thu nhập chỉ trông vào hạt lúa, nương chè nên đời sống nhân dân trong xã rất thấp, thu nhập bình quân tính theo đầu người chỉ đạt khoảng 6 triệu đồng người/năm. Cả xã có gần 1.200 hộ nhưng chỉ có 118 hộ có mức sống trên trung bình, còn lại là nghèo và cận nghèo. Nghèo đói đi kèm với thất học, chính quyền địa phương vận động các gia đình đưa con em tới trường học chữ đã là cố gắng lắm rồi. Lo cái ăn, cái mặc cho các em chưa đủ, nói chi đến điều kiện học tập, nhất là những thiết bị công nghệ hiện đại. Tôi dám khẳng định, trong số hơn 300 cháu học sinh của Trường Tiểu học Điềm Mặc chỉ có một vài cháu may mắn được tiếp cận với máy vi tính. Tuy là xã miền núi nhưng Điềm Mặc có tới 24 điểm di tích lịch sử, trong đó có 6 di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong tương lai, địa phương sẽ đón rất nhiều đoàn du khách. Việc quảng bá hình ảnh và tiếp cận với công nghệ thông tin hoàn toàn trông chờ vào thế hệ trẻ. Bởi thế, dàn máy vi tính Báo Hànộimới tặng trường là món quà vô cùng quý giá, không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà còn có ý nghĩa động viên về mặt tinh thần.

Đồng cảm với khó khăn của nhà trường và chính quyền xã Điềm Mặc, Phó Tổng Biên tập Kiều Ngọc Kim chia sẻ: Đây không phải lần đầu tiên Báo Hànộimới làm công tác từ thiện. Tuy chưa đến được tất cả các tỉnh, thành, nhưng Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã đến những nơi thực sự khó khăn nhất, điển hình như chương trình "Lửa ấm về các miền quê" tặng 1.000 con trâu cho đồng bào trong vụ rét 2007-2008, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, làm nhà tình nghĩa, xây dựng trường bán trú dân nuôi... Lần này, Báo Hànộimới phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên tặng Trường Điềm Mặc phòng máy vi tính với mong muốn các em học sinh có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, làm giàu tri thức. Chúng tôi coi đây là chuyến về nguồn thực sự ý nghĩa, địa phương vừa là cái nôi của kháng chiến, vừa là nơi ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam. Món quà tuy không lớn nhưng đó là tình cảm, là trách nhiệm của những người làm báo Đảng Thủ đô gửi gắm tới các thầy, cô giáo và các em học sinh trong trường...

Để ý từ đầu, tôi thấy cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Đào muốn nói điều gì, ấy vậy mà phải trấn tĩnh một lát cô mới nói thành lời: Quý lắm các anh ạ. Nhà trường rất trân trọng tình cảm Báo Hànộimới dành cho. Chúng tôi xin hứa sẽ bảo quản, giữ gìn và duy trì tốt phòng học vi tính này. Hy vọng các em học sinh sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng các cô, các bác nhà báo. Và biết đâu đến lúc trưởng thành, các cháu lại trở thành cộng tác viên đắc lực hay phóng viên của tòa báo.

Cô Hoàng Thị Đào dứt lời cũng là lúc một tốp học sinh được sà vào bàn máy để thực hành trên dàn máy mới. Cả phòng tíu tít hỏi cô giáo Tổng phụ trách về cách thức sử dụng bàn phím để gõ chữ. Cô bé Nông Thị Quỳnh Trang phấn khởi khoe: Cô ơi, con đánh xong bài thơ "Bầm ơi" rồi. Bây giờ làm thế nào để xóa đi. Có phải bấm vào chữ phi-le (file) rồi sau đó chọn đi-le-te (Delete) không? Cả phòng máy bật cười hỏi, cháu đã học tiếng Anh chưa? Cô bé ngượng ngùng trả lời lí nhí: Con chưa được học những từ này. Anh bạn đồng nghiệp tôi an ủi, vỗ về: Ngày đầu tiên cháu được tiếp xúc với máy tính, như thế là tốt lắm rồi. Vài ba tháng nữa cháu sẽ quen. Biết đâu đến lúc đó cháu lại nói tiếng Anh như gió.

Nhà báo Phan Hữu Minh, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên trầm ngâm trong nỗi ưu tư. Nghe cô trò nhỏ nói, bất chợt anh nảy ra sáng kiến: Các em muốn học vi tính cũng phải có một chút kiến thức tiếng Anh và muốn tra từ điển máy tính phải kết nối mạng internet. Thế này đi, nhà trường làm thủ tục lắp đặt ngay đường truyền ADSL, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sẽ đài thọ toàn bộ kinh phí lắp đặt, cước thuê bao tháng và phí duy trì bảo dưỡng thiết bị.

Niềm vui được nhân ba khi đại diện Ban Biên tập Báo Thái Nguyên quyết định ngay trong tuần này, Báo cùng "chung tay, góp sức" lắp tặng nhà trường bộ máy điều hòa nhiệt độ, giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt nhất.

Vui không gì bằng, ông Bí thư Đảng ủy xã Nông Đình Thân nắm tay từng người, thở phào nhẹ nhõm: Báo Hànộimới khơi dậy, khuấy động phong trào nên mới nhanh như thế. Vậy là từ nay, các cháu học sinh đã có một phòng học vi tính hiện đại và hoàn chỉnh. Mơ ước ấp ủ bấy lâu của thầy trò nhà trường nay đã thành hiện thực. Cảm ơn các anh, cảm ơn nghĩa tình của những người làm báo Đảng Thủ đô. Các anh đã tiếp thêm sức mạnh để người dân xã Điềm Mặc phấn đấu, vươn lên đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.

Tống Ngọc Thanh