7 năm vẫn lúng túng với “một cửa”
Chính trị - Ngày đăng : 07:25, 26/04/2011
Không đạt chuẩn tối thiểu
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa). Ảnh: Bảo Lâm
Thị trấn Phú Xuyên và xã Phượng Dực là hai đơn vị làm điểm về cơ chế "một cửa" của huyện Phú Xuyên. Tuy nhiên, ngày 22-4 vừa qua, đoàn kiểm tra do Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đến làm việc với UBND huyện Phú Xuyên và hai đơn vị làm điểm của huyện về việc thực hiện cơ chế "một cửa", đã phát hiện cả 2 đơn vị này đều chưa bảo đảm những yêu cầu tối thiểu của việc tổ chức thực hiện bộ phận "một cửa". Phòng làm việc của bộ phận "một cửa" xã Phượng Dực chỉ có 16m2 (theo quy định là 40m2), trang thiết bị chưa đầy đủ, 4 cán bộ trực tại "một cửa" đều kiêm nhiệm. Công dân đến giao dịch cũng không nhận được phiếu hẹn trả kết quả và vẫn phàn nàn về thủ tục hành chính (TTHC) phiền hà, khó khăn. Lãnh đạo xã Phượng Dực cho biết, do kiêm nhiệm nên nếu buổi sáng cán bộ phải làm việc chuyên môn, buổi chiều mới tiếp dân và trả kết quả hồ sơ hành chính.
Để thống nhất thực hiện Quyết định 93/2007/QĐ-TTg, TP Hà Nội đã có Quyết định 84/2009/QĐ-UBND về việc ban hành quy định thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) thuộc TP, nhưng đến nay, Chủ tịch UBND xã Phượng Dực khẳng định, xã chưa nhận được và không hay biết gì về Quyết định 84. Về vấn đề này, ông Lại Văn Hóa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên khẳng định, huyện có triển khai Quyết định 84; đồng thời giao ban CCHC hằng quý vẫn đề cập đến vấn đề này, nên xã cần phải xem lại việc cập nhật và lưu giữ văn bản. Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ) Ngô Anh Tuấn cũng khẳng định: Theo báo cáo Sở Nội vụ nhận được, huyện Phú Xuyên đã tổ chức hai hội nghị quán triệt cho cán bộ cơ sở về Quyết định 84. Điều đó có thể thấy, huyện Phú Xuyên tập huấn, hướng dẫn chưa thấu đáo; thiếu kiểm tra, đôn đốc và báo cáo của huyện và xã không khớp nhau; lãnh đạo xã chưa thực sự quan tâm tới công tác CCHC...
Một vấn đề bất cập nữa là việc thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" còn lỏng lẻo. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận "một cửa" xã Văn Bình (đơn vị làm điểm của huyện Thường Tín) cho biết, việc tổ chức thực hiện "một cửa" của xã đã đầy đủ theo quy định, tuy nhiên còn một số hạn chế trong liên thông, đơn cử như trả hồ sơ hành chính lĩnh vực nhà đất chưa đúng hẹn. Có những hồ sơ đã hoàn thiện, xã gửi lên huyện nhưng vẫn chậm từ 4 đến 5 tháng mới có kết quả khiến dân không hài lòng. Thủ tục giải quyết chế độ cho người có công cũng thường xuyên chậm vài tháng, thậm chí có người tận 1 năm sau khi nộp hồ sơ mới được nhận chế độ. Điều đáng nói là do giữa cấp huyện và cấp xã đã không có quy chế phối hợp về thực hiện "một cửa liên thông" nên khi xảy ra chậm trễ, không có căn cứ để quy trách nhiệm.
Các quyết định của TƯ và TP đã quy định rõ việc thực hiện chế độ phụ cấp đối với cán bộ chuyên trách tại "một cửa", nhưng tại các đơn vị làm điểm như xã Văn Bình (huyện Thường Tín), thị trấn Phú Xuyên và xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) đều không thực hiện đúng. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp khẳng định: Ý thức trách nhiệm, nhận thức về CCHC của các đơn vị làm điểm về CCHC chưa đạt yêu cầu. Huyện chưa quan tâm sâu sát đến công tác CCHC của các xã, thị trấn và về thực chất, hai đơn vị làm điểm này chưa thực hiện "một cửa".
"Một cửa"… thủ công
Theo quy định, việc tổ chức, thực hiện "một cửa" gắn liền với việc hiện đại hóa nền hành chính. Thị trấn Phú Xuyên và xã Phượng Dực vừa là đơn vị làm điểm về "một cửa" vừa làm điểm về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000 vào quản lý hệ thống hành chính. Đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần cho giao dịch giữa cơ quan nhà nước và nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, ông Lại Văn Hóa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên cho biết, đến nay, công nghệ thông tin (CNTT) tại 2 đơn vị này đều chưa đạt yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống máy vi tính, photo… đều thiếu, cần được cấp trên trang bị. Toàn bộ máy vi tính tại bộ phận "một cửa" đều là máy trước đây trang bị cho cán bộ chuyên môn. Tại xã Phượng Dực, hầu như các thao tác tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ đều làm thủ công vì chỉ có 1 máy vi tính chuyên dùng để nhập dữ liệu tư pháp hộ tịch…
Theo các cán bộ Phòng CCHC (Sở Nội vụ), đơn vị làm điểm mà từ cơ sở vật chất, bố trí cán bộ đến cách tổ chức như vậy thì thật nan giải. Vì thế, nếu không xây dựng mục tiêu, không lập đề án hỗ trợ cụ thể thì với nền tảng này, dù có hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, vài năm nữa "một cửa" ở đây cũng vẫn chưa thông. Về vấn đề thực hiện "một cửa" gắn với việc ứng dụng CNTT, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, từ đầu tư trang thiết bị hiện đại đến ứng dụng là cả quá trình, nếu cứ đầu tư đại trà mà không khai thác hết tính năng sẽ vô cùng lãng phí.
Vấn đề cần giải quyết hiện nay là nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ trì cấp cơ sở về nhiệm vụ CCHC, giảm phiền hà cho nhân dân chưa đạt yêu cầu, cùng với đó là trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên. Nếu không có hướng xử lý nghiêm những trường hợp thiếu trách nhiệm thì chắc chắn những tồn tại trên vẫn sẽ diễn ra.