Vấn đề không chỉ là có tiền
Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 26/04/2011
Cần thiết đầu tư hạ tầng giao thông
Những công trình giao thông lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng, góp phần điều tiết giao thông nội đô. Ảnh: Huy Hùng
Hạ tầng GTVT là một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH, luôn được Hà Nội ưu tiên đầu tư. Giai đoạn 2005-2010, hàng loạt công trình giao thông hiện đại, quy mô lớn như cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, Đại lộ Thăng Long… đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Những công trình trên tạo ra diện mạo mới, hiện đại cho Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Trước sức ép phát triển đô thị, Sở GTVT khẳng định, giải pháp chính để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay vẫn là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là mạng lưới đường bộ, nghiên cứu triển khai mạng lưới đường trên cao. Về mạng lưới đường bộ giai đoạn 2011-2015, sẽ ưu tiên hoàn chỉnh tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 theo hướng một phần đi trên cao. Đặc biệt, đoạn tuyến Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Nhật Tân sẽ được tập trung nguồn lực cho thi công hoàn thành nhằm tạo được tuyến vành đai hoàn chỉnh để điều tiết và hạn chế ùn tắc giao thông nội đô. Hoàn chỉnh những đoạn còn dang dở của Vành đai 1; triển khai Vành đai 4 đoạn quốc lộ 32 - quốc lộ 6 và quốc lộ 6 - quốc lộ 1; cải tạo trục hướng tâm như quốc lộ 1A, 6, 32, trục Tây Thăng Long. Đầu tư hệ thống giao thông tĩnh, hạ tầng vận tải công cộng, vận tải thủy… Tổng nhu cầu vốn trong 5 năm khoảng 260 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 50% tổng thu ngân sách của thành phố trong cả 5 năm. "Ngốn" nhiều nhất là các tuyến vành đai, cần khoảng 102 nghìn tỷ đồng; các trục chính đô thị (hơn 50 nghìn tỷ đồng)…
Nhưng có vốn đầu tư chưa phải đã đủ điều kiện
Giao thông Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu, hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chưa phát triển, giao thông tĩnh thiếu trầm trọng… Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, với đòi hỏi số vốn khổng lồ và yêu cầu thực hiện trong thời gian ngắn là điều không dễ, nhất là trong bối cảnh đang phải cắt giảm đầu tư công. Thu hút đầu tư xã hội hóa được Sở GTVT xác định là một trong những nguồn quan trọng cho phát triển hạ tầng và dự tính sẽ thu hút khoảng 179 nghìn tỷ đồng qua các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP... Nhưng để mong muốn trở thành hiện thực lại không hề đơn giản bởi cái khó nhất là vướng cơ chế. Trên thực tế, không ít dự án triển khai theo hình thức nói trên thời gian qua triển khai chậm và chủ đầu tư không quan tâm nhiều tới đẩy nhanh tiến độ.
Ảnh minh họa
Vấn đề đặt ra là cần xây dựng chiến lược, quy hoạch và đầu tư bài bản, đồng bộ. Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội, quy hoạch giao thông… đang trong quá trình hoàn thiện, chờ phê duyệt. Đó là những quy hoạch có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển đô thị. Chỉ khi có quy hoạch chung với chiến lược bố trí phát triển dân cư hợp lý, việc xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng mới chủ động và thực sự hiệu quả. Còn nhớ, cách đây khoảng 15 năm, chủ trương di dời các nhà máy, trường học… trong nội thành đã được đề cập, nhưng việc thực hiện lại rất hạn chế. Thế nhưng mỗi nhà máy, xí nghiệp vừa dời đi lại mọc lên các trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp. Lượng dân cư dồn về trên mảnh đất đó không những không giảm mà còn tăng, kèm theo lượng phương tiện cá nhân khổng lồ. Một trong những thực tế là nhiều khu đô thị mới đã được xây dựng, nhưng nơi tập trung, thu hút và có nhiều việc làm vẫn ở nội thành. Do vậy, cứ sáng sớm, luồng người lại ùn ùn kéo vào, chiều tối lại ào ào đi ra. Nhiều đường phố đã chật hẹp còn phải nhường chỗ cho việc kẻ sơn thu tiền giữ xe. Như vậy, chuyện giãn dân và tái cơ cấu khu vực lao động, khu vui chơi, giải trí có ý nghĩa quan trọng không kém đầu tư cho hạ tầng.
Không có quy hoạch phân bố dân cư, việc làm hợp lý còn khiến phát triển VTHKCC gặp khó khăn. Một số dự án đường sắt đô thị đã được khởi động, nhưng tiến độ còn chậm. Sở GTVT đã thừa nhận thực tế 5 năm tới VTHKCC bằng xe điện ngầm, đường sắt trên cao sẽ khó có thể đi vào hoạt động. Đây chính là những hạng mục cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư sớm hoàn thành tạo điều kiện khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân.
Như vậy, vấn đề mấu chốt là cần điều chỉnh ở tầm vĩ mô, tổ chức quy hoạch, bố trí dân cư chủ động cùng phát triển hạ tầng giao thông... Các bộ, ngành TƯ vào cuộc tích cực hơn cùng tháo gỡ vướng mắc, giải quyết những vấn đề nêu trên, trong đó có việc bố trí đủ vốn. Chính Bộ GTVT cũng kêu trời vì nói thu hút nguồn vốn xã hội hóa thì đơn giản, song thực hiện theo cơ chế nào cho hiệu quả, thuận lợi lại còn nhiều chuyện phải bàn. Bên cạnh đó, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cũng tác động tiêu cực tới dự án, nhiệt huyết của nhà đầu tư. Một kế hoạch có tính khả thi cao phải được xây dựng trên những điều kiện cần và đủ, nhưng xem ra những điều kiện đó đang còn thiếu. Nếu chưa giải quyết được những khúc mắc trên, kế hoạch phát triển GTVT sẽ khó được triển khai một cách trọn vẹn.