80% nhân viên là người khuyết tật
Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 26/04/2011
Nhân viên khuyết tật làm việc ở hiệu bánh. |
Hiệu bánh Con Lừa, ở số 8 Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, Hà Nội thành lập vào tháng 8-2009 bởi ông Marc Stenfert Kroese và bà Luyến Shell. Thời gian đầu, cửa hàng chuyên bán bánh donuts, sau đó ông Marc Stenfert Kroese kinh doanh thêm mặt hàng bánh mỳ và mời một chuyên gia người Đức sang hướng dẫn cho các nhân viên cách làm bánh. Hiện hiệu bánh có 40 nhân viên, trong đó người khiếm thính chiếm 35%, người khuyết tật vận động chiếm 25%, người khiếm thị chiếm 20%... Tất cả nhân viên sau một thời gian học việc được công nhận là nhân viên chính thức, có nguồn thu nhập ổn định, đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày và còn tiết kiệm được gửi về cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Thắng, 19 tuổi, quê ở Hải Dương, bị khiếm thính bẩm sinh. Trước đây, anh làm việc cho một cơ sở may, thêu ở quê nhà. Công việc kéo dài nhiều thời gian, thu nhập thấp, anh đành phải bỏ nghề. Được bạn bè giới thiệu tới Hiệu bánh Con Lừa, anh được học nghề làm bánh, sau đó được giao nhiệm vụ giao hàng. Anh Thắng bảo, làm việc ở đây rất tốt. Ngoài tiền lương hưởng theo năng lực làm việc, anh được bố trí chỗ ăn, ở miễn phí. "Với người khiếm thính không có trình độ học vấn như tôi, công việc ở đây là phù hợp. Tôi rất muốn làm việc lâu dài ở nơi này", anh Thắng tâm sự.
Anh Trần Quốc Hoàn, 30 tuổi, bị khiếm thị làm lễ tân, nhận đặt hàng qua điện thoại cho biết, anh có thu nhập ổn định đủ để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó qua công việc, khả năng tiếng Anh của anh đã được cải thiện rất nhiều. "Ở đây có nhiều người cùng cảnh, tôi không có cảm giác tự ti, mặc cảm. Tôi sẽ cố gắng làm việc thật tốt để được tăng lương", anh Hoàn hồ hởi. Ở hiệu bánh này, ngoài mức lương trung bình (khởi điểm từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng tùy theo công việc), nhân viên sẽ được tăng lương dần theo năng lực, mức cống hiến...
Ông Marc Stenfert Kroese cho biết, hiệu bánh luôn tuyển người khuyết tật vào làm việc. "Sứ mệnh của chúng tôi là chứng tỏ rằng người khuyết tật có thể có những đóng góp thành công trong một môi trường kinh doanh cạnh tranh, nơi cần phải duy trì được mức độ cao trong các lĩnh vực chuyên môn, dịch vụ khách hàng, kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi cam kết bảo đảm ít nhất 80% đội ngũ nhân viên là người khuyết tật, đảm đương các vị trí từ lãnh đạo đến nhân viên bình thường", ông Marc Stenfert Kroese khẳng định. Hiện ngoài việc cung cấp và đào tạo nghề cho nhân viên (làm bánh, dịch vụ khách hàng, sổ sách, công nghệ thông tin, kỹ năng quản lý...), hiệu bánh hỗ trợ và phát triển đội ngũ nhân viên bằng cách khuyến khích phát triển giá trị cá nhân. Hiệu bánh cam kết xây dựng một môi trường mà ở đó nuôi dưỡng kỹ năng sống để truyền tới mỗi cá nhân sự tự tin, bản lĩnh độc lập và nhạy bén hơn với những cơ hội lớn cho hôm nay và mai sau.
Hiện nay hiệu bánh đang liên kết với các tổ chức phi lợi nhuận khác để khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật, nhằm giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống. Với tinh thần này và với những gì đã và đang làm, đầu năm 2011, Hiệu bánh Donkey Bakery đã được Hội đồng Tư vấn người sử dụng lao động về việc làm cho người khuyết tật (BREC) trao tặng Giải thưởng Dải băng xanh.