“Lương hưu” cho lão nông
Đời sống - Ngày đăng : 08:25, 25/04/2011
Chủ tịch UBND xã Thanh Văn trao sổ lĩnh tiền bảo hiểm phúc lợi hằng tháng cho nông dân.
Chưa bao giờ người dân xã Thanh Văn lại vui như mấy ngày gần đây. Từ đầu làng cho đến cuối xóm, người ta bàn tán về chuyện nông dân được lĩnh phụ cấp hằng tháng (lương hưu-PV). Mặc dù số tiền không nhiều nhưng có lương hưu, ai nấy đều vui mừng khôn tả.
Tại buổi lễ khai trương và chi trả lương hưu nông dân đợt đầu tiên của Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nông dân xã Thanh Văn, tổ chức ngày 19-4 vừa qua, không ít cụ đã trào nước mắt vì quá xúc động khi cầm trên tay cuốn sổ lĩnh tiền hằng tháng. "Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ già này dám nghĩ có ngày nông dân được lĩnh lương hưu. Phấn khởi lắm, số tiền tuy không nhiều nhưng cũng đủ để tuổi già chúng tôi mua trầu thuốc, đỡ phải phiền con cháu", cụ Hoàng Thị Dẻo, 83 tuổi, thôn Bạch Lao nói. Còn cụ Nguyễn Văn Cứ, 78 tuổi, thôn Tam Đa thì vui mừng: "Cả đời làm ruộng chẳng bao giờ nghĩ nông dân có lương hưu, vậy mà nay đã có. Đây là động lực để tuổi già chúng tôi sống vui, sống khỏe, sống có ích".
Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị lâm thời quỹ cho biết, khi tham gia đóng quỹ, ngoài được hưởng lương 100.000 đồng/tháng/người, hằng năm quỹ sẽ tổ chức cho nông dân đi tham quan; tặng quà nhân các ngày lễ, tết; hỗ trợ tiền mai táng phí 1 triệu đồng/người, quỹ còn tổ chức cho các hộ nông dân nghèo tham gia quỹ được vay vốn phát triển kinh tế.
Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nông dân xã Thanh Văn hiện có gần 350 người tham gia đóng góp trên tổng số khoảng 3.800 nông dân toàn xã (từ 16 tuổi trở lên). Để có được cuốn sổ lĩnh tiền bảo hiểm phúc lợi hằng tháng, theo quy định, nông dân từ 16 tuổi trở lên phải đóng 20.000 đồng/tháng, thời gian đóng liên tục trong 20 năm. Ở một xã thuần nông như Thanh Văn, đời sống người dân vẫn khó khăn như vậy là vừa phải.
Thay đổi cách nghĩ
Ông Quang Văn Thỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn cho biết: Thực chất quỹ này đã thành lập cách đây 15 năm, tuy nhiên đến nay mới thực sự đi vào hoạt động. Lý do, những năm trước đó do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều người cho rằng hoạt động của quỹ như hoạt động tín dụng, vì vậy số người tham gia rất ít. Với mong muốn giúp người nông dân khi về già đỡ vất vả, Đảng ủy, UBND xã Thanh Văn đã quyết tâm phục hồi lại hoạt động của quỹ. Chủ trương hợp lòng dân, nên chỉ trong một thời gian rất ngắn cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể vào cuộc tuyên truyền tới nhân dân mục đích, ý nghĩa của quỹ; quyền lợi của nông dân khi tham gia quỹ... quỹ đã nhận được sự ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân trong xã, số người tham gia đóng góp quỹ ngày một đông.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nông dân được hình thành trên cơ sở 3 nguồn: Do người dân tự nguyện đóng góp với mức 20.000 đồng/tháng; nguồn tiết kiệm của xã từ việc xây dựng các công trình phúc lợi và khoản thứ 3 là do các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp. Ông Tuấn cho hay, trước đây tất cả các công trình phúc lợi khi xây dựng đều tổ chức đấu thầu rộng rãi, nay để giảm chi phí cũng như nâng cao chất lượng công trình, thực hiện phương châm "dân bàn, dân làm, dân giám sát", xã kêu gọi những người có chuyên môn xây dựng tham gia thiết kế, thi công với sự giám sát chặt chẽ của Ban Thanh tra nhân dân. Vì vậy, không những chất lượng công trình bảo đảm mà thông qua cách làm này, nhiều công trình đã giảm tới 50% chi phí so với cách làm trước đây. Số tiền này đã được chuyển một phần vào Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nông dân.
Trên cơ sở hiệu quả từ Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nông dân xã Thanh Văn, hy vọng trong thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác để giúp nông dân bớt vất vả khi về già. Mong sao trên địa bàn thủ đô có nhiều nông dân được lĩnh lương hưu, để họ có cuộc sống ổn định hơn.