Khi doanh nghiệp tự đánh mất thương hiệu
Công nghệ - Ngày đăng : 07:39, 25/04/2011
Gia tăng số vụ vi phạm
Nón làng Chuông, sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng của Hà Nội đang được xem xét cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ảnh: Hoàng Linh
Từ năm 2001 đến nay, ngày 26-4 hằng năm được Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới cùng các nước thành viên tổ chức kỷ niệm Ngày SHTT với nhiều hoạt động có ý nghĩa. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, vấn đề nâng cao nhận thức và pháp luật về SHTT là rất cần thiết, đặc biệt khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Thống kê những năm gần đây cho thấy, Hà Nội luôn là địa phương đứng thứ hai cả nước, xếp sau TP Hồ Chí Minh về số đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, theo nhận định của TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hà Nội, điều này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. "Hiện tượng tranh chấp quyền SHTT ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt là với nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp. Năm 2010, Sở đã giải quyết nhiều vụ việc xâm phạm quyền SHTT, trong đó nổi bật là trường hợp của Công ty cổ phần Sản xuất điện cơ 91 bị Công ty Quang điện - điện tử Việt Nam khiếu nại yêu cầu phải đổi tên doanh nghiệp (DN) do sử dụng tên thương mại trùng với giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa "PEC Điện cơ 91" đã cấp trước đó" - TS Lê Xuân Rao chia sẻ thêm.
Không chỉ Hà Nội gặp tình trạng gia tăng số vụ vi phạm SHTT mà đây còn là tình hình chung trên cả nước. Điển hình hơn cả là tình trạng băng đĩa lậu, sách lậu xuất hiện tràn lan ở khắp mọi ngõ ngách. Thực trạng này không những gây thiệt hại cho các DN làm ăn chân chính mà còn làm cho một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng phải dùng tiền thật để mua hàng giả.
Vì đâu nên nỗi?
Nhựa Song Long là một trong những thương hiệu mạnh của Thủ đô. Ảnh: Huy Hùng
TS Lê Xuân Rao cho biết thêm, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, DN đã nhận thức được phần nào tầm quan trọng của SHTT. Nhưng nhìn chung, hiểu biết về lĩnh vực này còn thấp khi nhiều DN đã trả lời rằng "đăng ký làm gì, hàng giả hàng nhái đầy ra có sao đâu". Có tới 50% số đơn đăng ký bảo hộ SHTT của DN, cá nhân tự tiến hành đăng ký bị từ chối do không đáp ứng được các yêu cầu. Đặc biệt, số DN đăng ký xác lập quyền SHTT là thấp so với tổng số DN trên địa bàn. Hầu hết chỉ có DN lớn hoặc DN đầu tư nước ngoài quan tâm và có bộ phận chuyên về SHTT. Số còn lại thường chỉ chú ý đến nhãn hiệu hàng hóa mà ít lưu tâm đến sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý... nên thường đánh mất cơ hội quản lý, bảo vệ uy tín về sản phẩm của mình. Đây là thực tế đáng lo ngại.
TS Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, luật pháp nước ta đã đáp ứng với tiêu chuẩn quốc tế trong việc bảo vệ quyền SHTT. Tuy nhiên, công tác thực thi vẫn chưa hiệu quả. Pháp luật quy định các vi phạm quyền SHTT, làm hàng giả... sẽ bị xử lý về dân sự, hành chính hoặc thậm chí là cả hình sự. Hiện nay, tỷ lệ các vụ việc vi phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính chiếm đến hơn 90%, các vụ xử tại tòa chưa đến 10% nên tuy có xử lý mà tính răn đe còn thấp.
Mặt khác, việc xử lý vi phạm quyền SHTT hiện nay chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính và mức phạt cũng chưa đủ sức răn đe. Luật SHTT (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, quy định về mức phạt tiền tối đa là 500.000 đồng có sự bất hợp lý, nếu xét với các hành vi vi phạm vốn mang lại lợi nhuận cao như trong sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và phụ tùng... Trong khi đó, sự phối hợp xử lý vi phạm SHTT giữa các cơ quan chức năng: tòa án; quản lý thị trường; thanh tra; công an; hải quan; UBND các cấp không phải lúc nào cũng thuận và nhiều trường hợp còn chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
Riêng tại Hà Nội, trong khi chờ những giải pháp tích cực hơn liên quan đến vấn đề SHTT từ phía các cơ quan trung ương, TP đã ban hành kế hoạch "Hỗ trợ phát triển tài sản SHTT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2020", hướng đến xây dựng và phát triển các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của sản phẩm làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc sản... Năm 2010, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế với 109 đơn, tiếp đến là TP Hồ Chí Minh (75), Cần Thơ (12), Đồng Nai (11). Tuy nhiên, nếu tính toàn bộ số đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp, gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, Hà Nội chỉ có 5.839 đơn, xếp sau TP Hồ Chí Minh là 9.049 đơn. Một loạt các nhãn hiệu sản phẩm của nón Chuông, bưởi tôm vàng Đan Phượng, rau hữu cơ Sóc Sơn, tranh thêu Thường Tín, nhãn chín muộn Hoài Đức đang trong quá trình xem xét để được cấp bảo hộ SHTT.
Chủ đề của Ngày SHTT 2011 được xác định là "Thiết kế tương lai", tôn vinh vai trò của kiểu dáng trên thị trường, trong xã hội và trong việc định hình cho những đổi mới của tương lai. Đây cũng là dịp để cộng đồng, đặc biệt là DN ý thức sâu sắc hơn về vấn đề SHTT trong hội nhập.
Khảo sát gần đây của Cục SHTT tại 500 DN cho thấy: 82% cho rằng vấn đề SHTT có vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, song chỉ có 52% DN có hiểu biết về SHTT; 36% DN không quan tâm đến việc xác lập quyền SHTT; 41% DN gặp khó khăn khi thai thác quyền SHTT và chỉ có 10% DN trích hơn 5% từ quỹ đầu tư phát triển cho việc tạo lập, đăng ký, khai thác và bảo vệ quyền SHTT.