Lỗ hổng quản lý

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:35, 25/04/2011

(HNM) - Thực phẩm chức năng (TPCN) xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam với hơn 1.700 mặt hàng được trên 1.000 doanh nghiệp đăng ký và tiêu thụ. TPCN có công dụng nhất định trong việc nâng cao sức khỏe, song nó không phải là thuốc chữa bách bệnh.

Thế nhưng, nhiều nhà sản xuất, phân phối đã quảng cáo thổi phồng công dụng khiến người tiêu dùng cả tin, ngộ nhận để rồi tiền mất nhưng bệnh không chuyển. Đáng nói hơn, cả thầy thuốc cũng đang lạm dụng TPCN.

Sự chưa rõ ràng về tác dụng của sản phẩm TPCN dẫn đến sự nhầm lẫn của khách hàng.

Không phải là thuốc

Theo ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì TPCN là thực phẩm (hoặc sản phẩm) dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể trạng thái thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Đối tượng sử dụng TPCN là cả người bệnh và người khỏe. Với vai trò hỗ trợ sức khỏe nhất định nên TPCN đang ngày càng được nhiều người sử dụng, nhất là ở thành thị.

Nguồn nguyên liệu để sản xuất, bào chế sản phẩm TPCN là các loại cây, quả, động vật vùng nhiệt đới. Với hơn 3.200 loài thực vật và hàng trăm loài động vật, bò sát... Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng sản xuất sản phẩm thực phẩm, TPCN. Vì thế, theo thống kê của Bộ Y tế, trong hơn 1.700 mặt hàng TPCN được đăng ký và tiêu thụ ở nước ta, TPCN nội chiếm 66,6%. Một số đơn vị, công ty phối hợp với các nhà khoa học đã nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm được ưa chuộng như viên dầu gấc, viên Curcumin (chế biến từ nghệ), viên rong biển… Mặc dù vậy, việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm TPCN ở nước ta đến nay vẫn còn khá mới mẻ, không ít sản phẩm chưa được thử nghiệm lâm sàng, chưa chứng minh được tác dụng các thành phần của sản phẩm để tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng.

Tại hội thảo "TPCN và sức khỏe người tiêu dùng" tổ chức cuối tuần qua, ông Trần Đáng cho biết, TPCN cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành chứng nhận đủ điều kiện. Ngoài ra, trên sản phẩm bắt buộc phải in dòng chữ khẳng định thực phẩm đó không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh... Còn đối với thuốc chữa bệnh, nhà sản xuất, kinh doanh công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng điều trị, phòng bệnh với các công dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng...

Vì sao vẫn nhầm lẫn?

Mặc dù có quy định rõ ràng nhưng nhiều người vẫn lầm tưởng TPCN là thuốc. Nguyên nhân của tình trạng này, theo thừa nhận của một vị đại diện của Bộ Y tế, là cơ quan quản lý hầu như chưa quản được hoạt động quảng cáo, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khi các đơn vị này lại được trao quá nhiều quyền. Theo quy định hiện hành, Bộ Y tế mới chỉ có thể kiểm tra, xác minh tính năng của các sản phẩm TPCN thông qua hồ sơ doanh nghiệp cung cấp khi đăng ký, nghĩa là kiểm tra trên giấy và theo đăng ký của doanh nghiệp. Lợi dụng lỗ hổng quản lý này, các doanh nghiệp đã "thổi phồng", "đánh bóng" sản phẩm TPCN để người tiêu dùng tin đó là "thần dược", có thể chữa được bách bệnh, kể cả bệnh nan y. Thậm chí, một số cơ sở sản xuất đã tự ý nhập sản phẩm không rõ nguồn gốc, đóng gói, bán ra thị trường với giá rất cao bằng những lời rao không thật.

Người bệnh cả tin TPCN là thuốc không chỉ bởi vì những lời quảng cáo mà còn vì tin vào bác sỹ. Đã xảy ra tình trạng bác sỹ của một số bệnh viện kê TPCN vào đơn thuốc với giá đắt hơn nhiều lần so với giá thuốc trong đơn, dù theo quy chế kê đơn thuốc hiện hành thì TPCN bị cấm không được kê trong đơn. Vì sao bác sỹ biết sai mà vẫn làm, có phải vì "hoa hồng" của doanh nghiệp? Mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Cao Hưng Thái đã ra văn bản gửi một số bệnh viện bị người dân phản ánh là có trình trạng bác sỹ kê TPCN vào đơn thuốc, yêu cầu báo cáo, xác minh cụ thể.

Lạm dụng TPCN không chỉ khiến người bệnh mất tiền oan vì không chữa được bệnh, mà có trường hợp thậm chí còn thêm bệnh, như dùng quá liều trà giảm béo nên phải vào viện cấp cứu. Để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần có những văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, chi tiết đối với việc sản xuất, chế biến và lưu thông các mặt hàng TPCN; tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về TPCN, tránh tình trạng mập mờ giữa TPCN và thuốc. Chế độ ăn uống hợp lý, lối sống lành mạnh, hoạt động thể thao thường xuyên, giảm thiểu sang chấn tinh thần chính là những "TPCN" an toàn và có lợi nhất cho sức khỏe.

Sáu nhóm thực phẩm chức năng

Nhóm 1, có tác dụng chống oxy hóa như vitamin C, E, Betacaroten, kẽm vi lượng, các sản phẩm từ hạt nho… Đây là nhóm chiếm số lượng lớn, được sử dụng khá rộng rãi trong cộng đồng. Nhóm 2 có tác dụng bổ sung nội tiết cả ở nam lẫn nữ, hạn chế những triệu chứng bất lợi về thần kinh, xương khớp… Nhóm 3, sản phẩm mang tính thích nghi sinh học như các loại sâm, đông trùng hạ thảo, sữa ong chúa… có tác dụng tăng cường sức khỏe. Nhóm 4 có tác dụng tăng cường chính khí, tăng cường miễn dịch với các sản phẩm có nguồn gốc từ sụn và dầu gan cá mập, nấm linh chi, xạ đen, xạ linh… Nhóm 5 có tác động lên hệ thần kinh, chống stress như cây kawa, nữ lang… Nhóm 6 là các vitamin, axit amin, các nguyên tố vi lượng…

Nguyễn Hường