Hạnh phúc

Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 24/04/2011

Tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi, không biết cha mẹ là ai, lớn lên đã thấy mình ở trong cô nhi viện, chẳng có ai để được thương yêu, nũng nịu. Càng tự so sánh với lũ trẻ học cùng lớp, tôi càng cảm thấy mình thật bất hạnh.

Tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi, không biết cha mẹ là ai, lớn lên đã thấy mình ở trong cô nhi viện, chẳng có ai để được thương yêu, nũng nịu. Càng tự so sánh với lũ trẻ học cùng lớp, tôi càng cảm thấy mình thật bất hạnh.

Lần đó, năm 12 tuổi, tôi bị phạt vì trốn buổi trồng rau. Như giọt nước tràn ly, tôi bỏ trốn khỏi cô nhi viện. Tôi đi về phía Tây, bởi tất cả những gì tôi biết về gốc gác của mình là nhờ tình cờ nghe thấy mấy bác trong cô nhi viện nói rằng tôi sinh ra ở California. Vậy thì có thể bố mẹ tôi vẫn ở đó chăng?

Khi đó đang là mùa xuân, sau hoàng hôn, trời trở nên buốt lạnh. Tôi không dám lang thang ở những phố lớn, vì cảnh sát có thể chặn tôi lại, hỏi han đủ thứ, rồi sẽ trả tôi về cô nhi viện.

Đi rất lâu trên cánh đồng, tôi chợt nhìn thấy một đường ray tàu hỏa. Tôi nghĩ ngây ngô: hay là mình cứ đi theo đường ray đó, biết đâu sẽ đến nơi nào đó có mẹ mình ở California. Đi khoảng một tiếng đồng hồ, khi gần như đã cóng, tôi bỗng nhìn thấy một đống lửa lớn, có các bác lớn tuổi đang ngồi sưởi xung quanh.

- Đi đâu thế cậu nhóc? - Một người hét to về phía tôi.

- Tới California để tìm bố mẹ cháu.- Tôi hét trở lại.

- Thế thì nhầm đường rồi.- Bác ấy lấy tay bắc làm loa trên miệng để hét to hơn.

Quá thất vọng, tôi dừng lại, rồi ngập ngừng lại gần đống lửa, xin sưởi nhờ. Nhìn vẻ run rẩy của tôi, một bác ngồi gần đống lốp xe cũ nói:

- Lấy cái bát đằng kia lại đây, bác cho cháu một bát đậu hầm.

Tôi đã ăn hết bay 2 bát đậu hầm, rất ngon. Có vẻ như đậu hầm là toàn bộ bữa tối của những người này.

- Cháu ngủ tạm lại đây cũng được. - Một bác có bàn tay dị tật nói với tôi và bác dùng bàn tay lành lặn vỗ nhẹ lên vai tôi.

Thấy tôi có vẻ sợ sệt, một bác giải thích rằng họ đều là những người tàn tật, ở đây làm công việc gác chắn tàu. Công việc của họ là thắp đèn làm hiệu, kéo chuông khi có tàu sắp tới, đẩy thanh chắn ngăn đường ray.

Yên tâm, tôi ngủ ngon lành trên mấy cái hộp gỗ kê trong căn chòi bé tẹo, đắp một cái chăn ấm sực mùi thuốc lá của ai đó. Sáng hôm sau, chúng tôi lại ăn đậu hầm. Rồi có 2 bác đi vắng suốt cả ngày. Thấy thiếu người, tôi nhiệt tình giúp các bác kéo thanh chắn đường ray, kéo chuông... Chiều tối, 2 bác kia trở về, mang theo một ít bánh mì, thịt, trái cây... Họ đã làm thuê ở một cửa tiệm suốt ngày để đổi lấy những thức ăn đó. Và họ nói rằng,

tối nay, nhân dịp có tôi, sẽ tổ chức "lễ hội mùa xuân", cùng ôn lại những điều vui vẻ của năm cũ và mong một năm mới tốt lành.

- Lễ hội mùa xuân thì sao chứ? - Tôi buột miệng. - Cháu thấy các bác cũng giống y như cháu. Chẳng có lý do gì đáng để vui cả.

- Cháu có đôi tay và đôi chân lành lặn chứ, cậu nhóc?- Một bác hỏi.

- Tất nhiên ạ.- Tôi đáp.

- Thế thì cháu đã có những điều tốt đẹp rồi đấy!- Bác ấy nói, rồi giơ cho tôi xem bàn tay dị tật của bác ấy và một bên chân nhỏ hơn hẳn chân kia, khiến bác ấy luôn phải đi tập tễnh.- Còn các bác thì có một công việc để làm và có nhau. Đêm nay sẽ rất vui cho mà xem, cậu nhóc ạ!

Đúng là chúng tôi đã có một đêm "lễ hội mùa xuân" rất vui. Khi lửa đã tàn, các bác bảo tôi nên trở về cô nhi viện, vì tôi không thể lường trước được những bất trắc có thể xảy ra trên đường đi. Sáng hôm sau, gói cho tôi một chút thức ăn, các bác chào tạm biệt tôi, trừ một bác bị câm nên không nói được, bác ấy chỉ ôm tôi thật chặt.

Và sau đó tôi đã trở về cô nhi viện. Phải rồi, dù còn thiệt thòi nhưng tôi vẫn có thể hạnh phúc nếu hiểu mình có những điều tốt đẹp đến nhường nào.

Ngọc Diệp (Minh Khai)