Nốt trầm cuối cùng

Văn hóa - Ngày đăng : 06:32, 24/04/2011

(HNM) - Trung tuần tháng 4 vừa qua (17-4), dàn nhạc danh tiếng Philadelphia đã đệ đơn xin bảo lãnh phá sản, trở thành đơn vị biểu diễn nghệ thuật lớn đầu tiên của nước Mỹ "sập tiệm" trong cơn biến động kinh tế hiện nay.

Một buổi biểu diễn của dàn nhạc Philadelphia.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Richard Worley cho biết, hiện nay thu chi của dàn nhạc mất cân đối nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của dàn nhạc có tuổi đời 111 năm này, bà Kate Johnston, thì tất cả các cuộc biểu diễn theo lịch trình vẫn tiếp tục. Tin phá sản được đưa ra trong bối cảnh tại thành phố Philadelphia đang diễn ra Liên hoan Nghệ thuật quốc tế Philadelphia lần đầu tiên, kéo dài 25 ngày, quy tụ 1.500 nghệ sĩ với 135 chương trình nghệ thuật của nhiều dàn nhạc trên khắp thế giới.

Dàn nhạc này có trụ sở tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania là một trong 5 dàn nhạc giao hưởng lớn nhất Mỹ (cùng với New York Philharmonic, Boston Symphony , Chicago Symphony và Cleveland ) cũng là một trong những dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới. Được thành lập năm 1900, mục đích ban đầu của dàn nhạc là quyên góp tiền cho phụ nữ và trẻ em mồ côi trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha. Trải qua suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm, Philadelphia có tất cả 7 nhạc trưởng nắm giữ cương vị Giám đốc âm nhạc.

Cây "đại thụ" Philadelphia đã có nhiều cuộc biểu diễn lớn, với các chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới và doanh thu bán vé kỷ lục. Năm 1973, dàn nhạc Philadelphia đã có chuyến lưu diễn lịch sử khi trở thành dàn nhạc Mỹ đầu tiên biểu diễn tại Trung Quốc. Bên cạnh đó Philadelphia còn phổ biến âm nhạc giao hưởng tại xứ Cờ hoa bằng việc ghi âm hàng chục bản nhạc cho soundtrack (nhạc phim) của tác phẩm hoạt hình kinh điển "Fantasia" do hãng Walt Disney sản xuất năm 1940. Những tác phẩm âm nhạc giao hưởng nổi tiếng trong phim này được trình tấu thật tuyệt vời dưới sự chỉ huy tài tình của nhạc trưởng Leopol Stoikowsky. Tuy nhiên, số lượng khán giả đến với các buổi biểu diễn hòa nhạc ngày càng giảm trong khi chi phí duy trì hoạt động của dàn nhạc ngày càng tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái đã khiến cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật điêu đứng. Báo cáo tài chính đăng trên trang mạng của dàn nhạc Philadelphia cho biết trong giai đoạn giữa năm 2008 và 2009, doanh thu của dàn nhạc đã giảm từ 53,1 triệu USD xuống còn 29,4 triệu USD, trong khi số tiền chi trả lương hưu cho các thành viên dàn nhạc tăng từ 9,8 triệu USD lên 18,9 triệu USD trong cùng kỳ.

Hiện nay, tại Mỹ có nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật lớn và cả bảo tàng cùng nhiều công ty vũ kịch gặp khó khăn tài chính từ khi kinh tế Mỹ suy thoái và nay chỉ mới vừa phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, chưa có tổ chức nào danh tiếng như Philadelphia lại rơi vào một thảm cảnh như thế.

Kim Phượng