Hai câu chuyện của kiến trúc Việt Nam
Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 24/04/2011
Kiến trúc xanh - hiểu thế nào cho đúng?
Cùng với các lĩnh vực khác như kinh tế, du lịch… kiến trúc xanh đang trở thành xu thế tất yếu trên thế giới. Tuy nhiên, đa số người dân đều hiểu kiến trúc xanh một cách đơn giản là kiến trúc đi kèm không gian xanh của cây cối. Vấn đề rộng và nghiêm trọng hơn nhiều! "Tuyên ngôn Kiến trúc xanh" của Hội KTS Việt Nam nêu: "Việt Nam là một trong những nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất về sự xuống cấp của môi trường sống trước sự biến đổi khí hậu của trái đất". Do vậy, kiến trúc xanh phải là một nền kiến trúc thân thiện với môi trường từ sử dụng vật liệu, tận dụng nguồn tài nguyên cho tới tiết kiệm năng lượng, không làm tổn hại đến cuộc sống các thế hệ sau.
Kiến trúc xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới. Ảnh: Bá Hoạt |
Qua tuyên ngôn này, giới kiến trúc Việt Nam cam kết đi tiên phong và phối hợp với toàn xã hội thực hiện 5 nhiệm vụ chính, hàng đầu là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kiến trúc xanh. Bên cạnh đó là nghiên cứu xây dựng và phổ biến các tiêu chí kiến trúc phù hợp với điều kiện Việt Nam, thúc đẩy ứng dụng trong thiết kế kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, sản xuất vật liệu và phát triển công nghệ thích hợp…
KTS trẻ Lê Việt Hà, Chủ nhiệm mạng Ashui.com, Phó TBT Tạp chí Quy hoạch đô thị chia sẻ: Xây dựng theo tiêu chí kiến trúc xanh đòi hỏi phải chấp nhận chi phí ban đầu cao hơn cho việc đầu tư những vật liệu mới, những thiết bị tiết kiệm năng lượng… Vì vậy, việc tuyên truyền để mỗi người hiểu và chấp nhận phương án kiến trúc xanh cần đến sự kiên trì của giới kiến trúc. Sự ra đời của Hội đồng Kiến trúc xanh sẽ tạo ra một đầu mối để thúc đẩy xu thế kiến trúc này phát triển.
Cùng với "Tuyên ngôn Kiến trúc xanh", Hội KTS Việt Nam cũng vừa công bố những phương án đoạt giải trong cuộc thi "Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt" (diễn ra từ ngày 18-10-2010 đến 15-3-2011). Câu chuyện này thực tế cũng không nằm ngoài vấn đề kiến trúc xanh ở Việt Nam. Đây là một nỗ lực thân thiện với môi trường, cho dù đó là một môi trường khắc nghiệt bởi thiên tai. Yêu cầu cao nhất là trao cho người dân phương án tối ưu, chi phí phù hợp để họ sống chung với bão lũ, ngập lụt, tránh tối đa thiệt hại về người và của. Chỉ có điều, băn khoăn lớn nhất là làm sao những bản vẽ trên giấy được hiện thực hóa.
Nhà ở vùng lũ, bão lụt - đâu chỉ kiến trúc sư
Nếu xét trên bản vẽ thì có rất nhiều công trình thể hiện công năng cao trong việc hỗ trợ người dân vượt qua bão lũ, ngập lụt. Trong đó có phương án dựng khung vững chắc, có đỉnh vượt đỉnh lũ thông thường. Khi bão lũ, ngập lụt tàn phá ngôi nhà, bộ khung vẫn đủ vững để người dân bám vào, tồn tại, thậm chí có thể níu giữ được một phần đồ đạc. Một phương án khác là làm nhà lõi hình vuông, kích thước chừng 3,6m x 3,6m nhưng bền vững, cũng nhằm tạo ra một diện tích tối thiểu để người dân tồn tại sau khi bão, lũ cuốn đi những không gian mở rộng quanh nhà lõi.
Có thể nói nếu các phương án trên tiếp tục được nghiên cứu, triển khai và hoàn thiện trong thực tế, thì cuộc thi trên rõ ràng sẽ có ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều. Kinh nghiệm từ chương trình nhà ở cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy hàng trăm nghìn hộ dân được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này của kiến trúc. Tuy nhiên, đây là một chương trình của Chính phủ. Năm 2008-2009, Hội KTS Việt Nam cũng đã làm một việc chưa có tiền lệ là KTS thiết kế nhà cho nông dân và triển lãm tại một số địa phương để lấy ý kiến người dân. Nhiều người đã chọn ngay một phương án thiết kế để xây dựng nhà, có người lại bày tỏ tiếc nuối vì nhà đã xây mà nay mới thấy thiết kế phù hợp. Chỉ có điều các cuộc thi thiết kế nhà ở nông thôn hay nhà ở cho nông thôn vùng bão, lũ mới chỉ dừng ở phạm vi cuộc thi do hội nghề nghiệp tổ chức, chưa thực sự là một chương trình mang tầm vóc quốc gia. Hội KTS Việt Nam cho rằng, với trách nhiệm nghề nghiệp, Hội xới lên vấn đề nhà ở cho nông thôn, nhà ở vùng bão, lũ, nhưng để câu chuyện này có ý nghĩa hơn thì một mình KTS thôi chưa đủ, rất cần sự tham gia cụ thể của các doanh nghiệp, các tổ chức để triển khai và tiếp tục hoàn thiện các mẫu nhà cho người dân. KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đặt vấn đề: "Tại sao không có quỹ an sinh xã hội để từ đây các tổ chức, cá nhân có thể đóng góp cho cộng đồng trực tiếp bằng cách đầu tư cho nhà vượt lũ…". KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng cho rằng: "Nhà ở cho nông thôn sẽ còn là câu chuyện dài bởi lẽ cuộc sống luôn thay đổi, mỗi thời kỳ lại có những đòi hỏi nhất định cho phù hợp với thực tế. Cái khó nhất cho việc thiết kế nhà ở nông thôn là làm sao tạo được sự đồng nhất nhưng mang đặc trưng riêng của mỗi vùng".
Như vậy, hai câu chuyện kiến trúc xanh và nhà ở nông thôn đều có điểm chung là giới KTS phải là những người tiên phong và cộng đồng xã hội sẽ góp phần quyết định tính khả thi của nó trong đời sống.
Cuộc thi "Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt" đã nhận được 88 phương án dự thi. Ba giải A dành cho các phương án: "Thiết kế nhà chống bão lũ khu vực miền Trung" (KTS. Phạm Hữu Thủy, TP Hồ Chí Minh); "Sống cùng lũ lụt, nhà chống lũ lụt đa năng Hương Khê, Vũ Quang, Hà Tĩnh" (KTS. Phạm Hùng Cường và cộng sự, ĐH Xây dựng); "Nhà ở nông thôn vùng bão lũ - Nhà lõi khu vực miền Trung và Tây Nam bộ" (KTS. Ngô Xuân Thanh, Trịnh Tuấn Hiệp, Phạm Văn Du - Công ty Tư vấn thiết kế Vinaconex Xuân Mai). |