Văn nghệ sĩ sẽ sống được bằng nghề?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:18, 24/04/2011

(HNM) - Vị đạo diễn tài năng, cá tính của điện ảnh Việt Nam - Đặng Nhật Minh đã hơn một lần bày tỏ bức xúc về việc Nhà nước đặt hàng tác phẩm điện ảnh nhưng chỉ có kinh phí sản xuất, không có kinh phí cho quảng bá.

Nay, băn khoăn của ông (và hẳn là của đông đảo văn nghệ sĩ cả nước) đã được đề cập ít nhiều trong đề án của Bộ VH,TT&DL về "Xây dựng và rà soát các chế độ, chính sách đối với các hoạt động VHNT và văn nghệ sĩ. Chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm VHNT. Chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động VHNT" đã được Chính phủ phê duyệt tháng 3-2011.

Bộn bề chính sách và đời sống

Đề án trên là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới"- thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Đảng đối với sự nghiệp phát triển VHNT trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Một đề án rộng bởi phải xây dựng và rà soát toàn bộ chế độ, chính sách đặt hàng, tài trợ, khuyến khích sáng tác trên nhiều lĩnh vực, gồm nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh... Chưa kể bên cạnh những đặc điểm chung, mỗi lĩnh vực lại có những bộn bề riêng đã tồn tại lâu nay, hoặc mới nảy sinh trong cuộc sống hiện đại. Vừa bao quát, vừa chạm tới từng tế bào nhỏ của cơ thể đời sống VHNT đất nước, thực hiện trọn vẹn yêu cầu của đề án là một công việc không dễ! Theo Bộ VH,TT&DL hiện có 10 luật, 16 nghị định, 10 quyết định, 2 chỉ thị và 11 thông tư điều chỉnh trực tiếp, chủ yếu đến tài trợ, đặt hàng, khuyến khích sáng tác VHNT. Tuy nhiên, chính sách tài trợ, đặt hàng tác phẩm VHNT hiện chỉ mới dừng lại ở hai lĩnh vực là điện ảnh và xuất bản, các lĩnh vực khác chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Mức đãi ngộ làm phim “Vũ điệu đam mê” liệu có đủ cho nhà làm phim Hoàng Ngọc Dũng nuôi dưỡng đam mê? Ảnh: Tư liệu

Nói một cách công bằng, chính sách đặt hàng Nhà nước đã góp phần lưu giữ nhiều giá trị của VHNT. Trong đó có những bộ sách đồ sộ như "bách khoa thư" về Văn nghệ dân gian (VNDG) của Hội VNDG Việt Nam; những tác phẩm điện ảnh tạo được ấn tượng mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới như phim truyện nhựa "Đừng đốt"… Song đúng như đạo diễn Đặng Nhật Minh từng nói: Chính sách của Nhà nước mới chỉ dừng ở đầu tư sản xuất chứ chưa có phần quảng bá - một yếu tố quan trọng đối với tác phẩm VHNT trong nền kinh tế thị trường. Điều này chính thức được ghi rõ trong Đề án "Các tác phẩm VHNT chưa có kinh phí để giới thiệu quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, thiếu cạnh tranh thông tin trong cơ chế thị trường".

Nóng bỏng không kém câu chuyện tài trợ, đặt hàng trên là những nghịch lý tồn tại lâu nay về tiền lương, phụ cấp của văn nghệ sĩ. Hiện tượng người của các nhà hát, sân khấu chạy cả sang màn ảnh rộng cho thấy những điều không bình thường của đời sống VHNT. Trao đổi với Hànộimới, NSƯT Trung Hiếu bức xúc: Lương và bồi dưỡng cho nghệ sĩ đã lạc hậu vô cùng, bồi dưỡng tập luyện mấy ngày có khi không bằng một người khuân vác một buổi. Quả thật, với mức bồi dưỡng 20.000 đồng/ngày cho vai chính, 15.000 đồng/người/ngày đối với vai chính thứ, rồi 10.000 đồng/ngày với vai phụ… không thể đòi hỏi giới nghệ sĩ hết mình vì nghệ thuật. NSND Thế Anh từng nói vui mà cũng rất thật: Nghề diễn không phải chỉ cứ hùng hục như đi cày, đó là một công việc trí óc! Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách khác cũng đã lạc hậu hoặc bất cập như giải thưởng, nhà ở, bảo hiểm xã hội, chế độ nhuận bút…

Làm sao sống được bằng nghề?

Nguyên tắc hàng đầu được nêu trong đề án trên là "Văn nghệ sĩ được bảo đảm quyền lợi, sống bằng nghề, yên tâm gắn bó và cống hiến cho nền VHNT của nước nhà". Sống bằng nghề không chỉ là đòi hỏi vật chất bình thường của một người lao động mà hơn thế, đó còn là niềm tự hào, là lẽ sống của người nghệ sĩ. Vậy bắt đầu từ đâu để giải quyết những bất cập trong chế độ, chính sách đối với văn nghệ sĩ? Đề án này đã đưa ra hướng xử lý chung, trong đó có mấy điểm quan trọng, gồm ban hành văn bản quy định về tài trợ, đặt hàng và khuyến khích sáng tác các tác phẩm VHNT (rõ về tiêu chí, phương thức, loại hình… được hưởng lợi). Hằng năm, Nhà nước sẽ thành lập Hội đồng thẩm định các tác phẩm VHNT chất lượng cao để tài trợ kinh phí. Các hội, đơn vị, cá nhân cũng có thể đăng ký đặt hàng sáng tác với cơ chế rõ ràng. Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tài trợ, đặt hàng tác phẩm như bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và chế độ nhuận bút; xét tặng giải thưởng và danh hiệu nghệ sĩ, chính sách nhà ở… sẽ được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Đề án về chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ góp phần tạo động lực sáng tạo nghệ thuật. Ảnh: Linh Ngọc

Đặc biệt, trong phần giải pháp cụ thể, nổi lên một số đề xuất đáng chú ý, như: Nhà nước sẽ cấp 100% kinh phí từ khâu sáng tác cho tới quảng bá đối với những tác phẩm được đặt hàng. Chế độ lương thưởng, phụ cấp với NSND, NSƯT cũng sẽ thay đổi. Mức phụ cấp danh hiệu với NSND bằng 100% lương tối thiểu/tháng, với NSƯT bằng 2/3 lương tối thiểu/tháng. Đề án này cũng đề nghị Chính phủ đưa cụ thể đối tượng được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước vào Nghị định thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng. Bởi lẽ, hiện nay trong lĩnh vực điện ảnh, múa, cả tác giả và đạo diễn, biên đạo đều được xét tặng cả hai loại giải thưởng trên. Song riêng trong sân khấu thì chỉ có tác giả mà không có đạo diễn được xét tặng hai giải thưởng này… Như vậy dù bộn bề, nhưng cũng đã tỏ một hướng đi!

Từ xưa tới nay, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã đi, suy ngẫm và sáng tác chủ yếu từ chính sự day dứt nội tâm của họ, chứ không phải vì sự yêu cầu hoặc đòi hỏi vật chất nào đó. Song, trước bối cảnh mới, VHNT trong cơ chế thị trường cần được nhìn nhận bằng những lăng kính mới và hơn hết là những chính sách cụ thể để văn nghệ sĩ có thể sống bằng nghề, chuyên tâm vươn tới những tầm cao nghệ thuật. Đề án nói trên được phê duyệt chỉ là một trong 5 đề án do Bộ VH,TT&DL phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ và nhiều bộ, ngành khác đã, đang và sẽ thực hiện. Cả nước đang có khoảng gần 34.000 văn nghệ sĩ. Tất cả đang chờ đợi những đổi thay cụ thể từ những đề án này!

Thi Thi