Nấc thang mới

Thế giới - Ngày đăng : 05:50, 24/04/2011

(HNM) - Hành trình thu hẹp bất đồng nội bộ sâu rộng quanh cuộc chiến Libya của những đồng minh châu Âu đã có kết quả đầu tiên.


Sau quyết định của Anh bổ sung 12 cố vấn quân sự vào nhóm ngoại giao ở Benghazi - thành phố do lực lượng đối lập ở Libya kiểm soát nhằm giúp củng cố liên lạc và hậu cần cho lực lượng này, Italia cũng cho biết sẽ đóng góp 10 sĩ quan trong vai trò cố vấn quân sự. Trong khi đó, tuyên bố mới nhất của Pháp về một nhóm sĩ quan quân đội đã tới hỗ trợ Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp tự xưng (TNC) của phe chống đối đã đánh dấu một giai đoạn mới tại chiến trường Bắc Phi.

Xung đột chưa có hồi kết tại Libya là thách thức lớn đối với liên quân.

Dù khẳng định không trực tiếp tham chiến và cũng sẽ không triển khai lực lượng bộ binh, nhưng sự có mặt của các chuyên gia quân sự phương Tây tại Libya đã chính thức ghi nhận sự hiện diện về quân sự trên bộ đầu tiên sau hơn một tháng không kích nhằm thiết lập một vùng cấm bay. Động thái này khó có thể xua tan nghi ngờ về khả năng đây chỉ là những nấc thang mới của sự can dự lớn hơn nữa tại quốc gia đang bị chia cắt bởi cuộc chiến giữa Tổng thống Muammar Gaddafi và lực lượng đối lập. Thế nhưng, bước đi tiếp tục gây nhiều đồn đoán của phương Tây không khiến dư luận ngạc nhiên. Kế hoạch triển khai cố vấn quân sự giúp phe đối lập từng được dự báo khi lực lượng này ngày càng bộc lộ những khiếm khuyết căn bản về nguyên tắc tổ chức, tính thống nhất, kỹ năng tác chiến, tiềm lực quân sự... Những hạn chế của một đội quân thiếu chuyên nghiệp được tập hợp với một điểm chung là tư tưởng chống nhà lãnh đạo M.Gaddafi đã làm những "đồng minh" của họ tại châu Âu nhận ra rằng, nếu không được hà hơi tiếp sức nhiều hơn, những tay súng rời rạc này sẽ thất bại nhanh chóng trên chiến trường. Thực tế là, dù có hỏa lực mạnh của phương Tây trợ giúp, nhưng phe chống đối vẫn không thể giành ưu thế trước đội quân của Tổng thống M.Gaddafi. Ngược lại, quân Chính phủ Libya còn tỏ ra sung sức tại những vùng đất thuộc thành trì phía Tây mà cả liên quân lẫn các tay súng đối lập chưa thể kiểm soát.

Vẫn còn rất nhiều khác biệt về nghĩa vụ, trách nhiệm... giữa các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về chiến dịch quân sự đã trở thành tâm điểm của cả thế giới, nhưng phương Tây nhận thức rõ rằng đã đến lúc phải có được sự đồng thuận lớn hơn để gỡ thế bế tắc tại mặt trận do chính họ tiên phong mở ra. Thế trận dằng dai ở đất nước Bắc Phi sẽ không chỉ gây bất lợi cho châu Âu vào thời điểm các quốc gia đều phải đương đầu với những khó khăn kinh tế chồng chất, mà còn là câu trả lời gây thất vọng cho ván cờ đang thử thách cả năng lực lẫn vị thế của NATO.

Do vậy, sau quyết định tiếp tục ở lại chiến đấu với các đối tác châu Âu trong trận địa mà NATO đã tỏ ra lúng túng trong vai trò chỉ huy, Mỹ đã hoan nghênh kế hoạch đưa cố vấn hỗ trợ phe đối lập như là một biện pháp cần thiết. Không đưa bộ binh đến đất nước sa mạc, nhưng Tổng thống Barack Obama đã xem xét viện trợ khẩn cấp cho lực lượng chống đối Libya 25 triệu USD, gồm hàng hóa dịch vụ không nguy hại để bảo vệ dân thường ở những khu vực chiến sự nguy hiểm. Sự ủng hộ rất Mỹ đó cùng lệnh cho phép đưa máy bay không người lái Predator nổi tiếng xung trận ở Libya được xem như thông điệp quan trọng để xua tan những nỗi nghi ngờ rằng Nhà Trắng đã không có những hành động đủ sức nặng để giúp quân nổi dậy Libya. Với khả năng tấn công chính xác vào những mục tiêu tầm thấp bằng các loại vũ khí hiện đại mà hầu như không bị phát hiện, Predator từng tỏ ra rất hiệu quả tại các chiến trường Iraq và Afghanistan. Gửi những máy bay được ví như "sát thủ trên không" này tới Libya không nằm ngoài mong muốn của Washington rằng cục diện cuộc chiến phức tạp hơn dự tính này sẽ sớm có những thay đổi mang nhiều ý nghĩa với liên quân. Điều đó cũng sẽ giúp Mỹ có thể tránh được nguy cơ phải tập trung binh lực vào một cuộc chiến thứ ba trong khi chiến trường Iraq và Afghanistan còn dang dở.

Đúng như cảnh báo, chiến sự tại Libya không phải là bài toán dễ giải với liên quân. Việc đưa các cố vấn quân sự tới tham chiến ở vùng đất gió cát và sự hợp tác khó khăn vừa có được sau hàng loạt mâu thuẫn của phương Tây đang làm rõ hơn về một cuộc đối đầu phức tạp hiện nay tại Libya.

Vân Khanh