Lính Hà thành canh giữ vùng biển đảo

Đời sống - Ngày đăng : 08:06, 23/04/2011

(HNM) - Giữa vùng biển đảo xa xôi tuyến đầu của Tổ quốc, những người lính Hà thành luôn phát huy truyền thống Thủ đô anh hùng, nâng cao ý chí và tinh thần quyết tâm, ngày đêm chăm lo bảo vệ chủ quyền đất nước.

Thiếu úy Lê Quang Vũ làm nhiệm vụ canh gác tại đảo Cô Lin.


Đoàn chúng tôi cập đảo Trường Sa Lớn vào giữa trưa một ngày nắng gay gắt. Dưới cái nắng vàng rực, những cây tra, phong ba, nhàu, bàng vuông, đu đủ… trên đảo như càng xanh tươi hơn. Đón khách ngay tại cột chủ quyền của đảo Trường Sa, Thượng tá - Đảo trưởng Nguyễn Hữu Lục cho biết: Hôm nay là ngày thứ hai đảo có nắng. Trước đó, trời mưa rả rích suốt nửa tháng trời. Mưa giữa trùng khơi bao giờ cũng dữ dội, đất trồng cây bị nhiễm mặn, những luống rau xanh bị bầm giập gần hết. Quần áo và vật dụng, khí tài đều dễ bị hơi ẩm làm hỏng. Nhưng bù lại, sau mưa, cây cối lại trở nên xanh tươi hơn. Ở nơi khí hậu khắc nghiệt, giông gió bất thường ấy, những người lính Hà Nội đã và đang vững vàng thực hiện nhiệm vụ.

Được biết, Trường Sa Lớn hiện có hơn 10 cán bộ, chiến sĩ là người Hà Nội. Thiếu úy, Khẩu đội trưởng khẩu đội pháo 37 ly Nguyễn Thái Cường (quê xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ra đảo làm nhiệm vụ từ tháng 1-2010. Lúc anh đi, vợ mới mang thai. Vợ anh ở quê lúc đầu lo ngại cuộc sống ngoài biển khắc nghiệt, khó khăn, sợ chồng gặp nguy hiểm. Nhưng anh lại lo vợ một mình ở nhà, công việc vất vả, nuôi con nhỏ mà không có chồng bên cạnh. Con gái anh từ khi chào đời đã mắc bệnh tim bẩm sinh, luôn đau ốm quặt quẹo. Được 4 tháng, bé đã phải làm phẫu thuật tim. Hiện bé đã tăng cân đều đặn, phát triển tốt nhưng anh vẫn rất lo. Vợ lại làm nhân viên môi trường của xã, vừa nặng nhọc vừa độc hại. Hằng ngày, vợ chồng anh vẫn thường xuyên liên lạc, động viên nhau vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài giờ huấn luyện, trực canh gác, Nguyễn Thái Cường và đồng đội lại kiên nhẫn góp sức để Trường Sa xanh hơn. Các anh đã bảo đảm công tác hậu cần đời sống, tự túc rau xanh, cá, thịt các loại, đưa thêm vào bữa ăn đạt giá trị 4.365 đồng/người/ngày.

Bác sĩ, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Nguyễn Hà Ngọc cười rất vui cho biết: "Tôi chỉ là rể Hà Nội thôi". Không sinh ra ở Hà Nội, nhưng Hà Nội đã luôn là một phần không thể thiếu trong anh vì nơi ấy đang có người vợ và hai con nhỏ (con trai 8 tuổi, con gái 3 tuổi) của anh đang trông ngóng từng ngày trong căn nhà nhỏ ở ngõ 219 Nguyễn Ngọc Nại (quận Thanh Xuân). Ra đảo hơn 1 năm, anh cùng 1 bác sĩ và 4 y sĩ của bệnh xá đảo đã cấp cứu nội, ngoại khoa hàng trăm ca cho cán bộ, chiến sĩ, ngư dân vùng biển, đảo; trong đó có nhiều ca khó. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các anh đã rất nỗ lực bảo đảm sức khỏe cho quân dân trên đảo, không để xảy ra vụ việc đáng tiếc nào.

Cách Trường Sa Lớn gần 200 hải lý, chúng tôi gặp Thiếu úy Lê Quang Vũ, người Hà Nội duy nhất ở đảo Cô Lin. Anh cho biết: "Ở tuyến đầu của tuyến đầu, nhưng chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ, phấn đấu huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao". Các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh gác ngày đêm, nắm chắc mọi hoạt động trên không, trên biển, nhận định chính xác, xử lý đúng đối sách, báo cáo kịp thời theo quy định. Ngoài giờ trực, huấn luyện, Vũ và anh em trên đảo đọc sách, xem TV, chăm chút cho vườn rau xanh, con lợn ỉn… Năm nay mưa nhiều, các bể chứa nước trên đảo đều đầy ắp. Đứng từ xa nhìn vào, đảo giống như một viên ngọc với màu xanh của rau và những tấm pin mặt trời. Lúc chia tay, Vũ kể, vợ và cậu con trai gần 4 tuổi của anh hiện đang sống cùng gia đình nhà ngoại ở tổ 39 phường Khương Trung (Thanh Xuân).

Ở vùng đảo xa xôi, nỗi nhớ vợ con, gia đình, Thủ đô dường như sâu lắng hơn, cồn cào hơn. Nỗi nhớ làm các anh thấy mình có trách nhiệm hơn, phải mạnh mẽ hơn để hoàn thành nhiệm vụ giữ yên đất trời. Đại úy Bùi Yên Tĩnh (Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu) tuy mới ra đảo làm việc hơn 1 tháng nhưng cũng không tránh khỏi những giây phút thấy nhớ nhà, nhớ vợ và cậu con trai 5 tuổi. Cùng chung cảnh mới lập gia đình, chưa mua được nhà riêng như nhiều đồng đội khác, khi ra đảo làm nhiệm vụ, các anh đều gửi vợ con về nhà ngoại. Hài hước theo kiểu lính, Đại úy Bùi Yên Tĩnh tếu táo: "Bọn tôi đùa là tất cả đều bị "trả về nơi sản xuất". Nói vậy thôi, nếu không có bố mẹ vợ hỗ trợ thì thực lòng, chúng tôi cũng không yên tâm".

Không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, những người con của Thủ đô đang bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của quê hương.

Nguyễn Linh