Xử phạt vi phạm hành chính: Khó xác định, khó xử lý
Đời sống - Ngày đăng : 07:49, 23/04/2011
Không dễ khi thực thi
Ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, có hai khu chợ tự phát chiều nào cũng tấp nập cảnh bán mua khiến nạn ách tắc thường xuyên xảy ra lúc tan tầm buổi chiều. Chị Lều Thu Trang, sống cạnh khu vực chợ tạm ở phố Hoa Bằng cho biết, hôm nào cũng vậy, người bán hàng ngang nhiên họp chợ tại lòng đường, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và người khác. Người dân sống quanh khu vực này rất bất bình trước hiện tượng trên, do rác thải, phế thải xây dựng đổ tràn lan ngay trước mặt nhà họ, bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng. Ngay cả đường đi của khu dân cư cũng bị những hộ kinh doanh, buôn bán chiếm dụng. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương có phạt, nhưng là kiểu phạt cho chiếu lệ rồi vẫn tồn tại. Và chính sự xử lý không triệt để này đã tạo cơ hội cho những người dân ở các khu vực khác kéo nhau về đây họp chợ ngày một đông hơn. Rõ ràng, xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng với những người có hành vi gây ra lỗi. Nhưng kiểu phạt trên chỉ vì mục đích tận thu, không có tác dụng răn đe triệt để.
Cần có khung pháp lý thống nhất trong việc xử phạt hành chính để phát huy tính răn đe, giáo dục đối với các hành vi vi phạm. Trong ảnh: Công an xã Hải Bối, huyện Đông Anh xử phạt hành chính một quầy hàng kinh doanh sai phép. Ảnh: Phương An |
Theo luật sư Nguyễn Thành Nam, tình trạng trên chỉ là một bất cập nhỏ trong xử phạt vi phạm hành chính. Trong nhiều quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, các mức phạt đôi khi cũng chồng chéo nhau và không hợp lý khiến việc thực hiện khó khăn. Chẳng hạn, Nghị định 111/2009 xử phạt trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử quy định mức phạt tối đa 100 triệu đồng, nhưng Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ chỉ quy định mức phạt cao nhất trong an toàn bức xạ là 70 triệu đồng. Hay như Nghị định 34/2010 quy định phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi chiếm dụng đường phố để bày bán hàng hóa… là quá cao, không khả thi đối với những người buôn bán nhỏ. Phần lớn những người này không có tài sản, không có tài khoản nên không thể cưỡng chế được. Trong khi đó, nếu lực lượng chức năng sử dụng phương án tịch thu phương tiện, dụng cụ thì không có nơi cất giữ, thủ tục thanh lý phức tạp, lại mất nhiều thời gian, công sức. Ngược lại, mức phạt 300.000-600.000 đồng hành vi vi phạm điều kiện vệ sinh là quá thấp đối với nhà hàng làm ăn lớn nhưng lại quá cao đối với bán hàng vỉa hè.
Cần có luật xử phạt vi phạm hành chính
Thực tiễn với nhiều bất cập, chồng chéo như vậy đòi hỏi cần có một khung pháp lý thống nhất, lập lại trật tự về xử phạt vi phạm hành chính, để phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, phát huy hiệu quả răn đe, giáo dục, chứ không nhằm đạt mục đích phạt được bao nhiêu tiền, thu được nhiều phương tiện, tháo dỡ được nhiều công trình xây dựng…
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, trong tổng số hơn 100 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính, có đến gần 30 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước chưa được bổ sung, ban hành. Do đó, theo luật sư Nguyễn Thành Nam, điều cần làm hiện nay là nâng Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính lên thành luật để làm giảm các quy phạm trùng lặp, nghị định, thông tư còn mâu thuẫn nhau, từ đó sẽ có phân loại cụ thể để quy trách nhiệm xử lý. Đây cũng là ý kiến của Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội. Theo ông Thảo, các vụ vi phạm hành chính diễn ra đa dạng, phong phú về hình thức, có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả quản lý nhà nước. Do đó, khi ban hành luật phải quy định cụ thể các hành vi vi phạm, xác định rõ ranh giới giữa xử phạt hành chính và xử phạt hình sự, tránh gây lúng túng trong quá trình xử phạt vi phạm. Luật phải quy định rõ hơn, cụ thể hơn chức danh và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của một số cơ quan cấp bộ và bảo đảm được tính phù hợp so với cơ cấu tổ chức của các cơ quan.
Hiện nay, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đang được quy định tại nhiều văn bản khác nhau như: Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Thanh tra và trong rất nhiều nghị định quy định chi tiết các luật chuyên ngành. Các quy định này chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau vì cơ quan nào cũng muốn được quyền xử phạt trong lĩnh vực mình quản lý.
Cụ thể, Luật Thanh tra không quy định thẩm quyền của chánh thanh tra tổng cục, thanh tra cục, nhưng các nghị định lại quy định. Ví dụ như Điều 42 Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường. Hay như Nghị định 40/2009/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định thanh tra thú y có thẩm quyền xử phạt, nhưng thanh tra thú y mới chỉ có ở cấp bộ, cấp tỉnh, chưa có thanh tra ở cấp huyện, cơ sở nên nhiều vi phạm ở cơ sở đã không bị xử lý.
Ở cấp địa phương, việc xử lý vi phạm càng nan giải vì nếu thực hiện đúng thẩm quyền theo luật định thì phần lớn các trường hợp vi phạm ở xã, phường chỉ được lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm và lập biên bản, rồi báo cáo UBND quận, huyện. Nhiều địa phương đề nghị tăng thẩm quyền cho chính quyền cấp cơ sở vì mặc dù quy định hiện nay đã nâng dần thẩm quyền xử phạt của cấp xã từ 500.000 đồng lên 2 triệu đồng nhưng cấp xã vẫn không phạt được do phần lớn các hành vi vi phạm đều có mức phạt cao hơn. Quy định như vậy vô hình trung đã làm yếu đi chức năng quản lý của cấp cơ sở.
Xử phạt vi phạm hành chính có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng nhằm bảo đảm trật tự quản lý hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội… Do vậy, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết.