Bài 2: Cho mà như thế... bằng không (tiếp theo)

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:23, 23/04/2011

(HNM) - Đường 4C qua Hà Giang, Quản Bạ, từ Yên Minh trở lên ngày càng đâm vào địa hình lạ lùng. Núi đá tai mèo đâm phầm phập lên trời in bóng đàn bà nhỏ nhoi lầm lụi cõng đất đổ vào những gộp đá mới xếp, nay mai có mưa tra hạt ngô xuống. Câu thơ Lò Ngân Sủn "Đồi núi quê ta/Đẹp như bầu vú đàn bà" vấn vít từ xuôi lên "hết đất" để hình dung.

Tết Con Mèo, trời rét đậm, nhựa cây vón lại không cho lộc. Giờ đã hết Giêng, đào, mận, lê mới rộ hoa, lửa trắng lửa hồng chi chít sau rào đá, cái đẹp vô cùng khỏe khoắn. Cao nguyên đá đấy! Xứ xở người Mông đấy! Có câu uốn nắn từ Hà Giang, Hmông phải đọc là "Moong" có âm mũi, vì người xuôi cứ "Hơ mông" mà réo nên ngày nọ, Chủ tịch UB Dân tộc Quốc hội Cư Hòa Vần lúc ấy phải ký văn bản viết thành "Mông", chưa chính xác hẳn nhưng đỡ méo hơn.

Chợ phiên không chỉ là nơi buôn bán mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa của người Mông Đồng Văn. Ảnh: Yến Ngọc


Cái chuyện đọc sai tên người tên đất té ra có thể nhỏ nhưng có lúc thành ra to tướng được. Từ đây lên Đồng Văn "xem" cách thức sống và những di sản văn hóa xứ Mông, vô số điều nhỏ to to nhỏ chen nhau như thế.
                                                                  *
"Huyện đá" Đồng Văn - vừa được công nhận Di sản địa chất toàn cầu - có 17 dân tộc, mà Mông chiếm 88%, toàn Mông Trắng. Sắc thái tiêu biểu đó thể hiện trong y phục, kho tàng dân ca, cách cúng bái thờ phụng, ẩm thực, kinh nghiệm, kỹ năng sống nơi ít nước ít đất…, "chỗ" nào nhìn cũng ra ngay, chả dễ hòa trộn như tộc người sống thấp hơn. Vài chục năm trở lại đây, các chương trình hạ sơn, xóa nhà tạm, tái định cư (do xây dựng công trình thủy điện), sống tập trung thành bản lớn… đã thay đổi không gian văn hóa truyền thống của họ rất nhiều; sự thích nghi từng chỗ xem ra không giống nhau.

Chẳng hạn tục cướp dâu như trong câu hát không còn. Cướp là cướp lấy lệ, chứ đôi bên ưng cái bụng cả rồi. Cảnh tượng "vợ cõng chồng về thăm nhà" hiếm hoi, vì lệ lấy vợ đôi mươi cho chú bé lên bảy để có sức lao động ít dần. Nhưng tính cách quyết liệt thì còn, trai gái ưng nhau không lấy được có đôi sẵn sàng ăn lá ngón lấy chết. Thứ cây hoa vàng tuyệt đẹp ấy cứ rì rào bên bờ vực, tìm dễ lắm.

Chẳng hạn tấm váy trắng tinh để phân biệt "dòng" Mông Trắng. Đàn bà đi nương, làm bếp, địu con… lúc nào cũng se lanh nối sợi, xong đem tẩy trắng dệt thành vải. Tấm áo váy thêu tay chỗ cổ, nẹp, thắt lưng những họa tiết hoa đào, quả trám (tượng trưng núi đá), con ốc đá sinh ra trên núi phải hàng tháng trời, bán tiền triệu. Nặng nề, lên nương không tiện mà giặt dễ phai, chỉ đập, phơi lên bờ rào, nên giờ người ta chỉ bận nó dịp lễ tết, cưới, cúng ma. Chợ Ma Lé gần biên giới, váy Tàu bán rẻ như bèo, rách nát vứt đi chứ chả dùng cả đời nữa, nét đẹp đem đổi lấy cái giản tiện, tiếc ơi là tiếc mà chả đừng được.

Ẩm thực thì không thay đổi nhiều. Sáng ra đàn bà (sao mà đàn bà làm lụng nhiều vậy) dậy sớm xay ngô, đồ hai ba bận thành mèn mén rồi đem lên nương, cặm cụi đến xẩm mặt thì tụt xuống. Người xuôi lên hỏi "có bao nhiêu ruộng?", rằng "hai, ba cân", tức đất đủ để gieo hai - ba cân ngô xuống khi mưa về. Gọi những mảnh bé tẹo ấy là "nương" thật khó, vì chỗ rộng mới bằng manh chiếu, bao nhiêu vất vả mới thành. Vậy nên mỗi kỳ xuống núi là hội hè mút chỉ rồi. Chợ phiên, giờ thường họp mỗi chủ nhật, không chỉ là chỗ buôn bán. Vợ chồng dắt ngựa đem con gà quả bí, mèo chó hay nhím, cầy bẫy được xuống đổi, xong mua bát thắng cố sánh mỡ lòng phèo còn gây ra ăn với mèn mén mang từ nhà. Chiều về, vợ dắt ngựa, chồng túm đuôi leo dốc, say quá đổ chổng kềnh, vợ giở cuộn lanh ra se, cứ thế mà đợi, váy áo sặc sỡ điểm vào màu đá xám xịt. Cảnh tượng ấy chất chứa bao nhiêu niềm vui, mến thương, trong mắt nhiều người xuôi lên thành bệ rạc. "Văn hóa gì mà uống đến vậy!". Nhưng cứ thử sống trên cao vài tháng mới xuống một lần, anh có khỏi tớn lên đến thế không? Người Mông ít tập tính thương nghiệp, chợ phiên là sinh hoạt văn hóa thay cho tất cả: tết lễ, hội hè, chúng bạn, mọi quan hệ, niềm hoan lạc bất tận. Mà cũng chả còn nhiều chỗ cho nỗi ái ngại bóng kia nữa: đường sá mở đến thôn, xe máy véo cái đến nơi, đàn ngựa vãn hẳn. Nên mới có câu tiếc rẻ của Phó Chủ tịch huyện Lý Trung Kiên "Nhìn cái chợ không còn bãi để ngựa, đổi ngựa nữa nó trơ không khốc". Mấy năm nay Đồng Văn nhiều khách xuôi lên, mà du lịch ưa của lạ, chợ phiên ngựa vãn, không say, không cái mùi thịt sấy với cả trăm điệu khèn, lấy gì giữ họ lại? Phó Chủ tịch Kiên xinh gái, cha ở Vần Chải, mẹ Sà Phìn, đã đi học xa nhưng luôn muốn giữ lại nét Mông truyền thống. Sự nuối tiếc bếp lửa, gốc đào, bờ rào đá như vị muối đượm câu chuyện của chị, khiến khách từ xuôi lên nghĩ đến bao nhiêu nẻo. Chẳng hạn không tiếc những mái nhà lô xô xiêu vẹo đang bay đi thì ông họa sĩ Bùi Xuân Phái liệu có tranh phố. Chẳng hạn thi tài Nguyễn Bính khoái chí tỉnh thành mà chả đoái đến hương đồng gió nội…

Người Mông không có chữ cổ. Chữ đang dậy cho cán bộ, công chức, bộ đội, công an… là mới soạn, dùng âm vùng Sa Pa làm gốc, viết được chính tả, nhiều từ mới lấy từ tiếng Việt. "Không có văn học văn tự thì mong manh", ông Hùng Đình Quý, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Giang than. Liệu có cái gì giống giai đoạn trước Sĩ Nhiếp trong lịch sử người Kinh không? Tất cả vốn dân ca, bài cúng ma (có khi hát được ba ngày đêm), kể cả nghi thức trong lễ lạt đều học truyền khẩu, sự tam sao thất bản khó tránh. Mà cái người được "Trời" chọn làm thầy cúng rất chi ngẫu nhiên, không phải là "họ Lường làm mo họ Lò làm quan" như tộc Thái. Để tránh bị "bắt hồn", khi truyền nghề cho người trẻ hơn, thầy cúng phải giả cách hát cho con cào cào nghe, người kia "chơi" bên cạnh mà nhập tâm. Những con người đó, ngoài khía cạnh dị đoan, là kho tàng lưu giữ lịch sử, tâm linh, căn cốt Mông, đang vơi dần vơi dần. Thanh niên, phần đã biết xe máy, truyền hình, phần sợ "mất hồn", ít người theo nghiệp này lắm, có khi vài bản chung một ông. Trong bối cảnh di sản phi vật thể thế, theo quan điểm bảo tồn, vai trò của vật thể, tức những gì bên trong bờ rào đá rất quan trọng.

Thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn, nằm cách di tích Nhà Vương không xa, đang diễn ra cảnh "Dấu xưa xe ngựa…". Thanh niên lên mặt đường bán xăng, kem, bỏng ngô, nhà không hàng rào đá cũng chẳng mận, đào. Gia tộc ông Sùng Dúng Lùng có ngôi nhà trăm tuổi, kết cấu hoàn toàn truyền thống: gian giữa trống trải chỉ để bàn thờ, gian bên "của đàn bà" đắp bếp đất nấu cám, bên kia có bếp sưởi là chỗ đàn ông hút thuốc lào, uống rượu với khách. Chỗ nào cũng ám khói, nhưng đừng cho là bẩn, khói hong xâu thịt trâu dưới nhà, làm khô cả núi ngô, bí, đậu răng ngựa, tam giác mạch trên gác. Tiếc là kiến trúc cổ tiêu biểu của Mông Đồng Văn ấy chả còn người ở, xập xệ dần, muốn sửa thì lấy đâu gỗ nghiến với ngói âm dương thế những rui mè mọt mỏng. Như là chả biết đến nỗi cám cảnh của người chủ, cây đào bên tảng đá gốc cứ rực lên, những cánh hoa năm bảy tầng chứ chả thèm kép kép đơn đơn như dưới xuôi.

Đời người Mông giờ khác trước nhiều rồi. Các xã có đường vào khu trung tâm, xe máy vèo cái là đến chợ phiên, chỗ gần xem được tivi. Những chương trình xóa đói giảm nghèo, tái định cư, xóa nhà tạm… chen nhau trong thôn bản. Điện đường trường trạm treo leo lên cao. Cái được thấy rõ lắm, làm yên tâm nhiều người đương quyền. Nhưng còn đó những tiếc nuối đứt gan ruột...

Như là thời còn tỉnh Hà Tuyên, có đợt chỉ đạo làm nhà hai gian vách gỗ lợp ngói bờ rô, có ba triệu một cái đem lên không ai dùng. Là vì ngôi nhà kiểu cũ ba gian đều có công dụng, nhất là cái cửa ngách để đàn bà ra vào lúc giao thừa không qua cửa chính - vốn chỉ để đàn ông "xông nhà".

Như là mới đây, có một ngân hàng tham gia chương trình xóa nhà tạm, 20 triệu một cái dứt khoát chỉ làm mái bằng, lấy đâu chỗ hong lúa ngô. Nhà chình tường rẻ, đắt nhất là gỗ, nhưng làm được thì đúng là nhà Mông, che chắn cái lạnh núi đá thấu xương. Khu tái định cư thủy điện vách sin sít không còn chỗ đi vòng quanh nhà cúng ma, tức là làm "đứt" một tập tục đã ăn vào căn cốt trong lịch sử. Một cán bộ bảo dọc sông Tráng Kìm dãy nhà mới "một thụt một thò" bỏ nhiều, có ai về thì cũng "không tôn trọng mấy".

Như là chuyện làm đường. Ông Sùng Đại Dùng, một "biểu tượng" Mông trong tỉnh bảo bên giao thông chỉ thích đường nhựa, "bò" mãi mới vào được xã, đoạn đến bản đành bỏ, trong khi làm cấp phối trông dễ thương hơn, tiền chỉ một phần ba đi vẫn được mười năm thì không duyệt. "Bên cấp vốn sao ưa những to tát thế không biết…".

Lắm nỗi lắm đỗi lắm, nghe mà phát rầu. Đúng là của cho không bằng cách cho. Cho người ta cái nhà không có hồn vía, cái phần để ở lại chả theo cách người ta ở, thì có phải là "cho" không? Thế mà sau lưng tôi; mận, đào, lê trong bờ rào đá vẫn cứ dào lên. Hồn nhiên thế, liệu lần sau lên có còn…

Hoàng Định